Mỗi dịp Tết đến, điều hầu hết người lao động chờ mong là thưởng Tết, nhất là tại các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, người lao động luôn làm việc trong tâm trạng thấp thỏm, không biết doanh nghiệp có duy trì thưởng Tết như mọi năm?
Chia sẻ trên báo Sức khỏe và Đời sống, ông Nguyễn Văn Sỹ (60 tuổi, ở Yên Bái) cho biết, năm 2023 ông từng làm bảo vệ cho một công ty tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Công việc của ông khá vất vả, nhưng lương hàng tháng chỉ vỏn vẹn 3 triệu đồng. Ông định nghỉ việc nhưng thời gian đó là cuối năm, ông Sỹ đành cố làm đến đầu năm sau để được nhận tiền thưởng Tết.
Tuy nhiên, Tết 2024 vừa qua, ông và đồng nghiệp không hề nhận được một đồng thưởng Tết nào. Ông Sỹ vẫn luôn cho rằng việc công ty không thưởng Tết cho người lao động là vi phạm pháp luật, cần bị xử phạt. Điều này có đúng hay không?
Trả lời về vấn đề trên, Thạc sĩ - luật sư Hoàng Thị Hương Giang (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo khoản 1 và khoản 2, Điều 104 Bộ luật Lao động 2019, tiền thưởng được quy định như sau: Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
"Theo quy định này, thưởng Tết cho người lao động không phải là quy định bắt buộc. Căn cứ vào tình hình hoạt động kinh doanh của công ty, các chỉ số hiệu quả, năng suất làm việc và mức độ hoàn thành công việc của người lao động trong một năm mà doanh nghiệp có thể xây dựng quy chế nội bộ của doanh nghiệp về việc thưởng Tết cho người lao động. Vì vậy, khi một doanh nghiệp nào đó không thưởng Tết cho người lao động thì không có nghĩa là doanh nghiệp đó vi phạm pháp luật", luật sư Hoàng Thị Hương Giang cho hay.
Tuy nhiên, thưởng Tết vẫn luôn tồn tại như một loại hình văn hóa doanh nghiệp, không dễ thay đổi hoặc xóa bỏ. Dù tình hình sản xuất - kinh doanh trong năm không mấy khả quan hay đã chăm lo trong nhiều dịp Lễ khác thì thưởng Tết vẫn là niềm mong mỏi lớn lao của người lao động.
Tâm lý tiêu dùng, lễ tiết xã giao vào dịp cuối năm trong văn hóa người Việt đang tạo sức ép rất lớn cho người sử dụng lao động và cả người lao động. Chính vì vậy, nếu thưởng Tết không được như kỳ vọng, nhiều khả năng tranh chấp lao động sẽ diễn ra.
Để thưởng Tết không là gánh nặng và hạn chế tranh chấp liên quan đến thưởng Tết, chia sẻ trên VTV, luật sư Phan Thị Lan (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng người sử dụng lao động nên dự trù, hoạch định nguồn kinh phí để đảm bảo cho khoản chi này. Thưởng Tết cũng là phương án nhằm đảm bảo quan hệ lao động hài hòa, tạo động lực phấn đấu, xây dựng tình cảm gắn kết NLĐ với doanh nghiệp.
Ngoài ra, cũng cần phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn cơ sở, bên cạnh các hoạt động chăm lo, tổ chức Công đoàn còn phát động các phong trào thi đua lao động sáng tạo.
Thông qua đó, phối hợp với bộ phận chuyên môn của doanh nghiệp để ghi nhận, bình xét, đánh giá năng suất lao động của người lao động hằng tháng, hằng quý để làm cơ sở xét thưởng hàng năm. Từ đó sẽ mang lại môi trường lao động năng suất, hiệu quả, tạo ra càng nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.