Thất bại ở cuộc bầu cử năm 2020, Tổng thống Donald Trump phải đối diện với một giai đoạn vô cùng khó khăn. Cuộc sống của ông thậm chí từng được các trợ lý thân cận mô tả là “ngày càng tuyệt vọng”.
Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump kết thúc đầy tranh cãi bằng tâm điểm là vụ bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6/1/2021. Vụ tấn công Tòa nhà Quốc hội Mỹ khiến các nền tảng mạng xã hội hàng đầu - bao gồm Facebook và Twitter - phong tỏa tài khoản của ông, trong khi Hạ viện Mỹ tiến hành cuộc luận tội lần thứ hai nhắm vào ông.
Hậu quả của sự kiện 6/1 tiếp tục ngay cả sau khi ông Trump rời Nhà Trắng. Hạ viện thành lập một Ủy ban đặc biệt để điều tra vụ tấn công, thu hút sự quan tâm của công chúng Mỹ xuyên suốt năm 2022.
Quãng thời gian sau nhiệm kỳ của ông Trump khởi đầu bằng phiên luận tội thứ hai tại Thượng viện Mỹ. Phiên tòa luận tội diễn ra ngày 9/2/2021. Do thiếu 10 phiếu so với 67 phiếu cần thiết để luận tội cựu Tổng thống, Thượng viện cuối cùng đã bỏ phiếu trắng án cho ông Trump về cáo buộc kích động bạo lực ngày 6/1.
Rời Nhà Trắng ngày 20/1/2021 sau khi phá bỏ tiền lệ về việc dự lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của người kế nhiệm Joe Biden, ông Trump trở lại định cư tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago mà gia đình ông sở hữu tại bang Florida.
Theo nhiều nguồn tin mô tả, 100 ngày đầu tiên của ông Trump sau khi rời nhiệm sở cũng giống với nhiều người nghỉ hưu giàu có ở bang Ánh dương. Các báo cáo trên CNN hay tạp chí People vào khoảng tháng 4/2021 cho thấy cách ông Trump thích nghi với một cuộc sống mờ nhạt và "ít chiếm spotlight" hơn.
Ông Trump thường chơi golf "hầu hết các buổi sáng" và thưởng thức "bữa trưa thảnh thơi", dành thời gian với các nhà lập pháp Cộng hòa, đọc tin tức và xem tivi.
Tuy nhiên, quá trình ổn định cuộc sống của ông Trump không hoàn toàn yên ả. Những láng giềng ở Palm Beach ban đầu đã cố gắng để ngăn cựu Tổng thống cư trú toàn thời gian tại khu nghỉ tư nhân của ông, và một vài tuần đầu tiên sau khi rời Nhà Trắng là "không dễ dàng".
Trong bản tóm tắt cáo trạng dài 165 trang liên quan đến cáo buộc cựu Tổng thống Trump tìm cách lật ngược kết quả bầu cử 4 năm trước mà văn phòng công tố viên đặc biệt Jack Smith gửi tới tòa án liên bang tại thủ đô Washington được công bố hồi đầu tháng 10/2024, một số lời khai từ các trợ lý thân cận với ông Trump nói rằng cựu Tổng thống đã "ngày càng tuyệt vọng" khi gần đến thời điểm hệ thống bầu cử Mỹ xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden.
Trong khi cựu Tổng thống trải qua quãng thời gian thích nghi "hậu Nhà Trắng", gia đình ông cũng trải qua những thay đổi.
Theo CNN, hầu hết con cái của ông Trump, bao gồm con rể Jared Kushner, đã rời khỏi vai trò cố vấn cho cha mình và tập trung vào gia đình riêng. Tương tự như vậy đối với cựu đệ nhất phu nhân Melania Trump, cuộc sống của bà bên ngoài Cánh Đông đã thay đổi nhiều. Những người quen thuộc với các hoạt động của bà Trump cho biết bà vẫn tiếp tục hoạt động theo ý muốn và không bị ràng buộc bởi các chuẩn mực của nhiệm vụ đệ nhất phu nhân thông thường.
Dù vẫn duy trì ê kíp riêng với ít nhất 3 nhân viên, bà Melania không có màn xuất hiện chính thức nào kể từ khi rời Washington, cũng như không công bố kế hoạch viết hồi ký. Nguồn tin của tờ People nói "Bà ấy rất kín tiếng và không muốn gây chú ý".
Nhân vật duy nhất trong gia đình tham gia tích cực hơn vào lĩnh vực chính trị sau nhiệm kỳ Trump là con trai cả của ông. Donald Trump Jr. trở thành cố vấn tin cậy của cha mình về chiến lược chính trị và sự ủng hộ của ứng cử viên.
Ngay từ nhiệm kỳ đầu của cựu Tổng thống, Trump Jr. được nhiều người coi là người thừa kế rõ ràng cho phong trào “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA). Giống như cha mình, ông cũng có những phát ngôn dân túy mạnh mẽ và nảy lửa trên Twitter hay các thuyết âm mưu gây sốc trên sóng truyền hình.
Trump Jr. luôn thúc đẩy nền tảng ủng hộ cho ông Donald Trump và được cha tín nhiệm. Thậm chí, JD Vance, ứng viên Phó tổng thống Mỹ trong liên danh tranh cử năm 2024 của ông Trump, đến từ sự giới thiệu của chính Don Jr.
"Tôi đã chi đến 1.000% vốn liếng chính trị của mình để thuyết phục cha chọn Vance," ông Trump Jr. tự hào tuyên bố. Việc thành công đưa Vance vào vị trí ứng viên Phó tổng thống của đảng Cộng hòa là minh chứng rõ ràng cho vị thế mà Trump Jr. đạt được.
Với vai trò được ví như "thái tử của thế giới MAGA", Trump Jr. giữ nhiều trọng trách trong chiến dịch tranh cử năm 2024 của ông Trump. Đồng thời, ông đang nỗ lực để đặt nền tảng cho chính quyền Trump 2.0 và thúc đẩy Quốc hội được bổ sung thêm những gương mặt tương tự như JD Vance. Ông tuyên bố điều mà bản thân quan tâm hơn cả là "ngăn chặn những người sẽ trở thành thảm họa trong chính quyền mới".
Những thói quen lâu năm và kỷ luật của ông Trump dường như không thay đổi. Cựu Tổng thống vẫn thường xuyên đọc các tờ New York Times, Wall Street Journal và New York Post rồi đánh dấu những bài viết về bản thân để gửi cho các cố vấn. Đôi khi, ông cũng gọi điện cho một vài người bạn để "càm ràm" về các thông tin đưa theo cách không được hay ho.
"Ông [Trump] thường gọi điện khi có một số cuộc khảo sát tồi tệ nói điều gì đó về ông ấy, hoặc khi ông cảm thấy không ổn," người thực hiện nhiệm vụ thăm dò ý kiến cho chiến dịch của ông Trump, John McLaughlin, nói với CNN.
Dù kết thúc nhiệm kỳ tranh cãi và bất hòa với một số nhân vật cấp cao như Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell, ông Trump vẫn duy trì sự hiện diện trên chính trường. Ông tiếp đón các nghị sĩ Cộng hòa tại Mar-a-Lago, kể cả các ứng cử viên mà ông "không có ý định ủng hộ". Một phụ tá của Trump nói rằng ông ưa thích cảm giác này.
Tuy nhiên, mức độ quan tâm đối với ông Trump thực sự đã giảm đáng kể so với giai đoạn ông còn làm Tổng thống. Đến tháng 3/2021, hầu hết sự quan tâm về Trump đã phai nhạt. Tìm kiếm về ông trên Google thấp kỷ lục kể từ tháng 6/2015. Các mạng lưới đưa tin về ông ít hơn nhiều. Một nguồn tin nói với CNN rằng cựu Tổng thống "ghét việc bị rời khỏi khung tin tức hàng đầu" và "quan tâm đến việc tái tranh cử năm 2024 để tìm lại hào quang".
Bên cạnh đó, những thách thức lớn mà Tổng thống Joe Biden phải đối mặt cũng góp phần thúc đẩy ông Trump tái tranh cử. Một cố vấn của ông Trump xác nhận vào tháng 1/2022 rằng cựu Tổng thống "vẫn còn khá chán nản cho đến tận vài tháng trước, cho đến khi toàn bộ thái độ của ông thay đổi khi tình hình trở nên tồi tệ hơn với ông Biden".
Theo người này, chỉ đến lúc đó ông Trump mới bắt đầu "suy nghĩ nghiêm túc về việc tranh cử năm 2024 và những việc cần làm trong năm [2022] để củng cố vị thế vững chắc cho chiến dịch đó".
Khi mới định cư tại Florida sau khi rời Nhà Trắng, ông Trump được mô tả là "không có kế hoạch" nào. Đội ngũ nhân viên của ông phải di chuyển qua lại giữa Washington và Mar-a-Lago, "chạy đôn chạy đáo" để tự xây dựng một văn phòng hoạt động được tại khu nghỉ dưỡng của cựu Tổng thống.
Các đồng minh của ông thì đưa ra lời khuyên trái ngược nhau, có người khuyến nghị ông Trump hãy "nằm im" cho đến khi phiên tòa luận tội kết thúc, trong khi số khác kêu gọi ông đứng lên mạnh mẽ để tự bảo vệ. Một số trợ lý thân cận trong nhiều năm của ông Trump bất ngờ biến mất khi họ còn phải cân nhắc những bước đi tiếp theo.
"Đó là một giai đoạn hỗn loạn," một nguồn tin thân cận với Trump hồi tưởng vào tháng 1/2022, một năm sau khi ông Trump hết nhiệm kỳ. "Những gì mà mọi người thấy ngày nay - cụ thể là bộ máy chính trị mà ông ấy đang gây dựng - khác biệt một trời một vực với tình trạng của chúng tôi vào 12 tháng trước".
Nhưng sự hỗn loạn này đã dần trở nên có tổ chức và chỉn chu hơn đáng kể trong công tác đánh giá ứng viên dưới sự chỉ huy của Susie Wiles - hiện là đồng giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Bà Wiles bảo đảm ông Trump luôn được cập nhật về các bảng thăm dò mới nhất trước khi gặp mặt những nhân vật Cộng hòa tìm kiếm sự ủng hộ từ ông.
"Bà Susie đã hỗ trợ và cho ông Trump cảm giác có định hướng và trật tự thực thụ. Toàn thể gia đình Trump thực sự tôn trọng bà ấy," John McLaughlin mô tả.
“TÔI ĐÃ TRỞ LẠI! #COVFEFE” - Thông điệp đầu tiên ông Trump đang trên mạng xã hội Truth Social vào cuối ngày 28/4/2022 là một trong những tín hiệu đầu tiên đánh dấu việc ông Trump quay trở lại đường đua.
Không có quyền truy cập vào các tài khoản mạng xã hội như Twitter, ông Trump đã thử nghiệm một loạt các nền tảng mạng xã hội mới thành lập và thường xuyên đưa ra bình luận về các vấn đề chính trị.
Truth Social - mạng xã hội do cựu Tổng thống sáng lập - đã trở thành tiếng nói quan trọng để ông Trump có thể trực tiếp phát đi các thông điệp và tiếp cận với cử tri của mình.
Mùa hè năm 2021, Trump từ chối lời đề nghị trị giá hàng triệu USD mời ông trở thành cái tên nổi bật gắn liền với GETTR - mạng xã hội do cựu trợ lý Jason Miller của ông sáng lập. Các nguồn tin nắm rõ tình hình cho biết, cựu Tổng thống tin rằng một công ty mạng xã hội mang thương hiệu Trump sẽ là “lựa chọn tốt hơn cả”.
Tháng 10 cùng năm, ông Trump công bố Truth Social là dự án đầu tiên của tập đoàn Trump Media and Technology Group mới thành lập, và 4 tháng sau đó, ứng dụng Truth Social chính thức ra mắt trên App Store. Đáng lưu ý, tính đến ngày 26/4/2022 (hai ngày trước khi ông Trump đăng bài), tạp chí Forbes cho hay Truth Social đã trở thành ứng dụng iPhone miễn phí được tải xuống nhiều nhất trên App Store, trong khi Twitter xếp vị trí số 2 sau khi tỷ phú Elon Musk mua lại.
“Tôi đã trả hàng triệu đô đấy”, ông Trump nói đùa trước đám đông khi tới vận động tranh cử ở bang South Carolina vào tháng 3 năm nay. Cựu Tổng thống tiết lộ ông đã mua cái tên “Truth” cho mạng xã hội của mình từ “một anh chàng” với giá 2.100 USD.
Theo thống kê của tờ Washington Post (WaPo), trung bình mỗi ngày ông Trump đăng 29 bài trên Truth Social, cao hơn rất nhiều so với tần suất trong chiến dịch tranh cử Tổng thống đầu tiên và phần lớn thời gian ông giữ cương vị ông chủ Nhà Trắng.
Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Công nghệ thông tin & Chính trị Mỹ vào tháng 3/2024, Truth Social hiệu quả hơn trong việc thu hút các tin tức về Trump trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 so với Twitter trong cuộc bầu cử sơ bộ năm 2016.
Tuy tiếp cận được ít người dùng hơn trên Truth Social với chưa đầy 8 triệu người theo dõi (so với 91,8 triệu người trên X) nhưng sự tương tác của ông Trump trên Truth Social trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 đã tạo ra phạm vi đưa tin lớn hơn so với hoạt động của ông trên Twitter năm 2016.
Nguyên nhân một phần được cho là do các phương tiện truyền thông chính trị đã chọn lọc và khuếch đại các thông điệp từ Trump trên Truth Social, khiến ông nhận được nhiều sự chú ý hơn. Bên cạnh đó là khả năng thu hút sự chú ý của cá nhân ông Trump.
Ngoài ra, tuy có số lượng người dùng tương đối nhỏ, Truth Social vẫn có ảnh hưởng lớn vì nó duy trì mạng lưới của những người có sức ảnh hưởng (Influencer) theo phong trào MAGA, những người phủ nhận kết quả của cuộc bầu cử năm 2020, và những người thúc đẩy truyền thông cánh hữu.
Trong số này có các nhân vật chính trị và tổ chức truyền thông nổi tiếng, cũng như những người đã xây dựng thương hiệu cá nhân của họ gần như hoàn toàn dựa trên thói quen đăng lại bài/dẫn lại lời của cựu Tổng thống.
Từ thời điểm Trump công bố chiến dịch tái tranh cử Tổng thống (15/11/2022) cho tới 15/3/2024, ông đã đăng tổng 14.101 bài trên Truth Social. Như WaPo nhận định, những người xung quanh Trump - hay còn được gọi là các “đồng minh” của ông - đã khuếch đại thông điệp Truth Social của Trump đến “toàn thế giới”.
Mặc dù là cựu Tổng thống phải đối mặt với sự chỉ trích chưa từng có từ chính những cựu đồng minh và trợ lý của mình, ông Trump vẫn chứng tỏ sức hút và sức ảnh hưởng trong đảng cũng như nền chính trị Mỹ.
Có một danh sách dài những đồng minh và trợ lý cũ đã quay lưng lại với ông Trump. Theo CNN, không có ai trong nền chính trị Mỹ, cũng như chắc chắn không có vị tổng thống Mỹ nào gần đây, có danh sách dài những đồng minh cấp cao trở thành đối thủ như vậy.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã gọi ông Trump là “mối đe dọa đối với nền dân chủ”. Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đã tuyên bố ông “không đủ tư cách để làm tổng thống”. Và cựu Phó Tổng thống Mike Pence đã từ chối ủng hộ ông, với lý do “có những khác biệt sâu sắc”.
Đây là một điệp khúc chỉ trích chưa từng có trong thời hiện đại.
Tuy nhiên, sự ủng hộ của ông Trump vẫn là một "phần thưởng" hết sức được khao khát trong đảng Cộng hòa. Bộ máy của ông huy động được hơn 100 triệu USD và thuyết phục được Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) chi trả một phần chi phí pháp lý của cựu Tổng thống.
Thu thập ý kiến của hơn 20 nhân vật liên quan ông Trump - gồm các cựu trợ lý, trợ lý đương nhiệm, cố vấn và bạn thân của ông, CNN chỉ ra rằng cựu Tổng thống đã cảm thấy được khích lệ để tiếp tục tham gia chính trường sau khi chứng kiến địa vị của ông trong đảng Cộng hòa đã làm cho những nhân vật hàng đầu của đảng phải "khuất phục", bất chấp những bê bối liên quan đến vụ 6/1.
Cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, mặc dù đảng Cộng hòa giành lại được thế đa số mong manh ở Hạ viện nhưng kết quả này vẫn bị đánh giá là một thất vọng. Các thành viên trong đảng bất đồng và đổ lỗi khi dự đoán lạc quan trước đó về một chiến thắng áp đảo bằng “làn sóng đỏ” không xảy ra.
Mặc dù vậy, cuộc bầu cử năm 2022 trở thành minh chứng cho vị thế thống trị của ông Trump trong đảng Cộng hòa.
Ông Donald Trump đã ủng hộ hơn 300 ứng cử viên nghị viện và bang trong cuộc bầu cử năm 2022, trong nỗ lực mà tờ Financial Times mô tả là nhằm tái khẳng định vị thế chính trị và địa vị vượt trội, trước khi ông chính thức tuyên bố khởi động chiến dịch tái tranh cử.
Vai trò "thống trị" của Trump trong cuộc bầu cử năm 2022 là hết sức nổi bật. Từ trước đó hơn một năm, CNN đã chỉ ra "dấu tay của ông Trump có ở khắp nơi trong cuộc bầu cử năm 2022".
Nhà báo Alex Leary của Wall Street Journal mô tả vai trò của cựu Tổng thống trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ như một "người tạo ra vua". Ông Trump đưa ra sự ủng hộ dành cho các ứng viên trong những cuộc bầu cử sơ bộ trên khắp nước Mỹ. Ông tổ chức nhiều cuộc mít tinh nhằm thúc đẩy cử tri, chi tiền cho các quảng cáo trên truyền hình tại những bang then chốt.
Theo Al Jazeera, kể từ khi tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump đã khuất phục được nhiều nhân vật chỉ trích mình trong đảng Cộng hòa bằng cách ủng hộ những đối thủ của họ trong đảng, đồng thời khiến một số người khác nghỉ hưu.
Đảng Cộng hòa được cho là đã trở nên "đồng nhất" với phong trào MAGA của ông Trump. Chỉ một tuần sau cuộc bầu cử đáng thất vọng năm 2022, ông Trump chính thức công bố chiến dịch tái tranh cử.
Các trợ lý chiến dịch tranh cử của ông Trump cho biết, dấu hiệu đầu tiên cho thấy động lực của họ không phải là chiến thắng pháp lý hay những sai sót của đối thủ, mà là chuyến đi tới Đông Palestine, bang Ohio, Mỹ vào tháng 2/2023.
Sau thông báo về chiến dịch tranh cử năm 2024 không mấy ấn tượng vài tháng trước đó và sự khởi đầu chậm chạp, ông Trump đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ cư dân địa phương đang cần câu trả lời của chính quyền sau khi một đoàn tàu chở hóa chất độc hại bị trật bánh, dẫn đến việc sơ tán người dân và lo ngại về ô nhiễm không khí và nước.
Tổng thống Joe Biden đã không đến thăm Đông Palestine vào thời điểm đó, và sự hiện diện của ông Trump tạo ra sự tương phản.
"Nó nhắc nhở mọi người về những gì họ thích ở ông Trump ngay từ đầu", đồng giám đốc chiến dịch của Tổng thống đắc cử, ông Chris LaCivita cho biết.
Nếu vụ tàu trật bánh đó nhắc nhở cử tri đảng Cộng hòa về lý do họ thích ông Trump, thì một loạt các cáo buộc hình sự nhắm vào ông sẽ củng cố lòng trung thành của họ dành cho vị cựu Tổng thống.
Các cáo buộc hình sự mà ông Trump phải đối mặt cũng thúc đẩy nhận thức rằng ông là nạn nhân của những chiêu trò chính trị.
Ralph Reed - chủ tịch của Liên minh Đức tin & Tự do có tầm ảnh hưởng tại Mỹ - tình cờ có mặt tại câu lạc bộ Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida để tham dự bữa sáng từ thiện vào buổi sáng ngày ông Trump trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố.
“Giống như một quả bom phát nổ vậy”, Reed nói. “Bạn có thể cảm thấy mặt đất rung chuyển ngay lập tức.”
Thay vì kêu gọi ông Trump đình chỉ chiến dịch tranh cử của mình, phản ứng từ các thành viên đảng Cộng hòa lại là sự phẫn nộ. Ông Trump tự mô tả mình là nạn nhân của một hệ thống tư pháp hình sự chính trị hóa nhằm mục đích làm tổn hại đến cơ hội tái đắc cử của ông. Gần như ngay lập tức, các thành viên đảng Cộng hòa đã lao tới bảo vệ ông.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump đã nhận được rất nhiều khoản quyên góp và đã huy động được 15,4 triệu USD chỉ trong vòng hai tuần sau đó. Siêu ủy ban hành động chính trị ủng hộ chiến dịch của ông, vốn đang phải vật lộn để huy động kinh phí, đã chứng kiến sự gia tăng tương tự về số tiền đóng góp khi số phiếu thăm dò về sự ủng hộ đối với ông Trump bắt đầu tăng lên.
“Kể từ thời điểm đó, về cơ bản việc đánh bại ông Donald Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa đã trở nên bất khả thi”, đồng giám đốc Chris LaCivita cho biết.
Vậy ông Trump đã trỗi dậy bằng cách nào? Và thậm chí những lùm xùm pháp lý trong suốt giai đoạn 2022-2024 không thể làm chệch hướng chiến dịch tranh cử của ông?
Câu trả lời ngắn gọn là: Tính cách và chương trình nghị sự của cựu Tổng thống vẫn được nhiều người Mỹ ưa chuộng. Trong khi cử tri đã từ chối nhiều ứng cử viên "tương tự Trump" trong cuộc bầu cử giữa kỳ, thì điều đó cũng không hoàn toàn thể hiện sự quay lưng với ông.
Hàng loạt chính khách Cộng hòa đã cố gắng "theo bước" Trump dù không có những phẩm chất của ông, mà như nhà chiến lược chính trị Rina Shah đánh giá là "sự kết hợp hoàn hảo giữa sức mạnh, sự hăng hái, sức lôi cuốn - vừa dễ gần vừa khó gần".
Như một xu thế tất yếu, sự thống trị của Trump đã thể hiện trong Cương lĩnh hoạt động năm 2024 của đảng Cộng hòa, được công bố ngay trước thềm Đại hội toàn quốc của đảng này vào tháng 7, khi ông Trump chính thức được đề cử làm ứng viên tranh cử Tổng thống của đảng.
Cương lĩnh 2024 bao gồm hầu hết những cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, trái ngược với sự chia rẽ ở cuộc bầu cử năm 2020 khi đảng Cộng hòa không thể công bố Cương lĩnh của mình.
Trước khi Đại hội đảng Cộng hòa khai mạc ở Milwaukee, ông Trump tới vận động cử tri ở Butler, bang Pennsylvania ngày 13/7. Ngay sau khi ông bắt đầu phát biểu, một tay súng bắn tỉa đã nổ súng nhằm vào ông từ nóc nhà.
Ông Donald Trump thoát chết trong gang tấc. Ông đưa tay lên che tai và ngã xuống đất, các mật vụ lao lên che chắn tạm thời. Sau đó, ông đứng dậy, má phải lem máu, môi mím lại. Cựu Tổng thống nắm chặt tay và giơ lên không trung rồi hô lớn: "Chiến đấu! Chiến đấu! Chiến đấu!".
Chỉ trong vài khung hình, khoảnh khắc kinh hoàng nhất của cuộc bầu cử tổng thống 2024 - một âm mưu ám sát suýt chút nữa thành công - được NBC News đánh giá là hình ảnh ẩn dụ trực quan cho hành trình trở lại đầy bền bỉ của ông Trump.
Khi bước lên sân khấu để nhận đề cử cho vị trí ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa lần thứ ba liên tiếp, ông Trump đã đứng ngay chặng cuối của hành trình trở lại không giống ai trong lịch sử chính trị Mỹ.
Ông đã vượt qua những đợt thăm dò ý kiến với tỷ lệ thấp, kết quả bầu cử giữa kỳ tồi tệ, sự phẫn nộ sau cuộc bạo loạn ngày 6/1, các vụ luận tội, các đối thủ từ chính nội bộ đảng, bị kết án tội phạm và thoát chết khỏi những viên đạn.
Gần 3 tháng sau vụ ám sát hụt, ông Trump quay trở lại Pennsylvania, tổ chức một cuộc mít tinh tại chính địa điểm đã xảy ra nổ súng. Lúc này cuộc đua đã thay đổi. Ông phải đối đầu với một thách thức khó khăn và trẻ trung hơn - Phó Tổng thống Kamala Harris, người đã thay thế ông Joe Biden trở thành ứng cử viên của đảng dân chủ.
Xe cộ xếp hàng dài để vào khu vực tổ chức mít tinh. Có người mời chào chỗ đậu xe riêng với mức giá 20 USD trong khi quần short, mũ và huy hiệu hình Trump được bày bán bên lề đường.
Không khí ở khu vực mít tinh hệt như một lễ hội âm nhạc lớn, với hàng dài người xếp hàng mua thức ăn và sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Nhiều người nằm trên bãi cỏ dưới ánh nắng mặt trời, bài "Back in Black" của AC/DC vang lên qua hệ thống loa công cộng.
Hơn 18h, ông Trump bắt đầu phát biểu, trên màn hình lớn hiển thị biểu đồ nhập cư, hệt như trong cuộc mít tinh định mệnh hôm 13/7. "Một kẻ sát nhân máu lạnh đã tìm cách khiến tôi im lặng".
"Nhưng nhờ ơn Chúa và ý trời, kẻ ác đó đã không thành công", ông Trump nói trong tiếng reo hò, "Hắn không thể ngăn cản cuộc vận động của chúng ta".
Việc cựu Tổng thống quay lại Pennsylvania để kết thúc những gì còn dang dở đã thể hiện một thông điệp mạnh mẽ về sự kiên cường, và với nhiều người dân Mỹ, đó còn là lòng yêu nước.
Trong một khoảng thời gian sau vụ nổ súng, dường như ông đã tính đến chuyện thay đổi cách tiếp cận của mình. Ông chỉnh sửa bài phát biểu chấp nhận đề cử trước Đại hội Toàn quốc của đảng Cộng hòa.
"Tôi tranh cử để trở thành tổng thống của toàn thể nước Mỹ, chứ không phải chỉ một nửa nước Mỹ", ông nói tại Milwaukee 5 ngày sau vụ việc.
Tuy nhiên, đến cuối bài phát biểu, ông quay trở về với lãnh địa quen thuộc, mạnh mẽ chỉ trích làn sóng nhập cư và nặng lời phê phán các đối thủ chính trị của mình. Trump tiếp tục vẽ nên một bức tranh u ám về nước Mỹ. Trước cuộc tranh luận với bà Harris, các cố vấn đã hối thúc ông từ bỏ lối công kích cá nhân nhưng ông nói mình không thể.
Mặc dù vẫn giữ lại phong cách đặc trưng của mình nhưng ông Donald Trump của năm 2024, một người từng không quan tâm tới các quy tắc chính trị, đã xây dựng con đường trở lại ngôi vị quyền lực của mình bằng những phương thức truyền thống và thực tế hơn.
Ông nhấn mạnh tới "sự đoàn kết" tại Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa. Đó là kiểu khẩu hiệu thường thấy ở những ứng cử viên tin chắc là mình thắng. Ông cũng cam kết sẽ không "chơi kiểu phòng thủ ngăn chặn" trong cuộc bầu cử - tức là ông sẽ không an vị khi dẫn trước và không tìm cách câu giờ.
Và cuối cùng ông đã thành công. Lần này, ông đã quay trở lại trung tâm quyền lực của Washington với một trong những màn thể hiện khó tin nhất lịch sử Mỹ về sức bền chính trị.
Ban Quốc tế