Rất nhiều người thường xem nhẹ những thay đổi về giọng nói, hát hay những khó chịu ở cổ họng mà không biết rằng chúng cũng có thể là dấu hiệu bệnh nặng. Ông Cao (Đài Loan, Trung Quốc) cũng vậy. Ông bất ngờ phát hiện mắc ung thư thanh quản sau khi đột nhiên không hát được nốt cao như trước trong một lần đi karaoke.
Ông Cao năm nay ngoài 50 tuổi, làm công việc bảo vệ. Ông có sở thích đánh cờ và hát hò. Ông nổi tiếng trong tiểu khu cũng như vòng bạn bè là người có giọng hát hay, hát được những nốt rất cao. Cho tới một lần đi hát karaoke cùng các đồng nghiệp, ông Cao đột nhiên không thể lên được nốt cao mà trước đây ông cho là đơn giản dù cố gắng nhiều lần.
Lúc đầu, ông Cao cho rằng mình khàn giọng tạm thời. Nhưng 2 ngày sau giọng ông càng ngày càng khàn đặc đi kèm sốt và mệt mỏi. Cho rằng mình cảm lạnh, ông tự mua thuốc về uống nhưng cả tuần không khỏi. Vì vậy, ông quyết định đến bệnh viện khám nhưng lại ngỡ ngàng nhận kết quả ung thư thanh quản.
Bác sĩ nhắc nhở 6 dấu hiệu của ung thư thanh quản
Nói về trường hợp của ông Cao, bác sĩ điều trị ung thư Lin Jingwei thuộc Bệnh viện Linxin (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết: “Nguyên nhân gây bệnh ở bệnh nhân được tìm ra là hút thuốc và thường xuyên thức khuya làm ca đêm trong nhiều năm. May mắn là khối u của bệnh nhân khi phát hiện mới ở giai đoạn đầu, có thể điều trị hiệu quả.
Phương pháp điều trị là phẫu thuật và xạ trị. Cả hai đều có khả năng làm thay đổi cấu trúc dây thanh âm, ảnh hưởng đến chất lượng giọng nói, thậm chí làm mất khả năng nói hoặc hát. Cuối cùng, bệnh nhân quyết định làm xạ trị dù mất nhiều thời gian hơn vì muốn giảm thiểu ảnh hưởng tới giọng nói. Sau 7 tháng xạ trị và 3 tháng điều trị bổ sung, khối u đã được loại bỏ hoàn toàn. Hiện tại bệnh nhân có thể nói chuyện như bình thường, vẫn có thể hát nhưng không lên được nốt cao như trước”.
Bác sĩ Lin nhấn mạnh, thay đổi giọng nói đột ngột có thể là một trong những dấu hiệu đầu tiên của ung thư thanh quản, nhưng không phải là duy nhất. Ông cảnh báo thêm 6 dấu hiệu điển hình mà mọi người cần chú ý:
- Khàn giọng kéo dài: Không rõ nguyên nhân và không cải thiện sau vài tuần.
- Đau họng mãn tính: Đặc biệt nếu đau họng kéo dài không giảm dù đã điều trị.
- Khó nuốt: Cảm giác nghẹn hoặc đau khi nuốt thức ăn, nước uống.
- Ho dai dẳng: Đặc biệt là ho có máu hoặc kéo dài không rõ nguyên nhân.
- Đau tai: Có thể xảy ra do khối u chèn ép dây thần kinh liên quan.
- Sưng, khối u ở cổ: Một dấu hiệu dễ nhận thấy khi ung thư đã lan rộng.
Ngoài ra, bác sĩ Lin nhắc nhở rằng thay đổi giọng nói không chỉ là dấu hiệu của ung thư thanh quản mà còn có thể liên quan đến nhiều bệnh khác, đặc biệt là ung thư. Có thể kể đến như ung thư vòm họng, ung thư thực quản, ung thư tuyến giáp, ung thư phổi… Trường hợp của ông Cao là minh chứng cho thấy việc lắng nghe cơ thể và thăm khám sớm khi có bất thường rất quan trọng trong điều trị bất cứ bệnh tật nào.
Nguồn và ảnh: ETtoday, KKnews
Ngọc Ái