Dù giảm giá liên tục, ô tô trong nước vẫn khó cạnh tranh

Dù giảm giá liên tục, ô tô trong nước vẫn khó cạnh tranh

Thứ 4, 08/03/2017 18:13
Thị trường ô tô Việt Nam đang chứng kiến sự biến động lớn nhất từ trước đến nay khi các hãng xe đua nhau giảm giá, giành thị phần và cạnh tranh cùng xe nhập khẩu trong khu vực ASEAN.

“Cơn bão” giảm giá ô tô sản xuất trong nước đang càn quét thị trường Việt Nam khi các doanh nghiệp kinh doanh đồng loạt giảm giá bán lẻ xe hơi. Tháng 1/2017, giá ô tô giảm để kích cầu thị trường trước Tết Nguyên đán là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, sau 2 tháng, giá ô tô vẫn tiếp tục giảm. Đây liệu còn là câu chuyện giảm giá nhằm hấp dẫn khách hàng?

Ô tô lắp ráp trong nước gặp khó

Nhìn vào thực tế, trong tháng 2/2017, toàn thị trường có đến 9.000 chiếc xe được nhập khẩu, tăng 50% về lượng và tăng 7% chất so với cùng kỳ năm 2016. Hiện tại, sau 2 tháng đầu năm 2017, thị trường đã biến động mạnh với 16.000 chiếc xe được nhập khẩu.

Trường Hải - một doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô những thương hiệu lớn, luôn tiên phong trong "cuộc chiến" giảm giá ô tô. Đặc biệt, doanh nghiệp này giảm giá bán xe tháng 3 thêm 5% khiến giá mỗi chiếc xe Mazda giảm từ 18-40 triệu đồng tùy từng phiên bản cụ thể. Với thương hiệu Kia, giá giảm nhẹ hơn chỉ khoảng 3–5 triệu đồng đối với một số mẫu xe như Kia Moring, Kia K3…

Ô tô trong nước vẫn đang giảm giá trong tháng 3/2017.

Không chỉ Trường Hải, một số thương hiệu lớn như Chevrolet, Mitsubishi cũng đồng loạt có những hình thức giảm giá bán lẻ ô tô khác nhau. Điều đó cho thấy, những mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước đang rất khó cạnh tranh với những mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc, đặc biệt là xe nhập từ các nước ASEAN. Mức thuế nhập khẩu xe từ Thái Lan và Indonesia giảm từ 40% xuống 30%. Xe trong nước giảm sâu nhất đến 40 triệu nhưng xe nhập khẩu giảm đến 120 triệu thì thực sự là bài toán khó cho các hãng xe.

Không chỉ do giá xe nhập khẩu giảm khiến thị trường xe trong nước giảm theo mà nguyên nhân cũng đến từ việc các hãng xe đang tham gia cuộc đua dành thị phần qua đó, tăng doanh số bán hàng và nhằm đem đến dịch vụ tốt nhất so với những đối thủ.

Giảm nhưng vẫn ảm đạm

Lượng xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc rất lớn đã ảnh hưởng đến thị trường ô tô trong nước. Dù giảm mạnh nhưng các hãng xe trong nước vẫn khó cạnh tranh với thị trường xe nhập khẩu. Ngoài ra, các công ty còn đang gặp phải cơn “đau đầu” khi phải cân đối thị trường để đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp. Chính vì vậy, khó có thể đòi hỏi mức giá thấp như những xe nhập khẩu từ các nước ASEAN.

Thực tế, mỗi năm, có khoảng 70.000 xe lắp ráp trong nước được tiêu thụ không phải chịu thuế mà giá vẫn rất cao. Điều đó đến từ rào cản pháp lý của Nhà nước.

Theo chủ một cửa hàng kinh doanh xe ô tô tại Long Biên (Hà Nội), xe sản xuất, lắp ráp trong nước không phải chịu thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, xe nội vẫn có mức giá rất cao so với xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Giảm giá nhưng thị trường ô tô trong nước vẫn chưa có tín hiệu lạc quan.

Chẳng hạn, ở phân khúc 7 chỗ, Toyota Innova J sản xuất tại Việt Nam không phải chịu thuế nhập khẩu, có mức giá rẻ nhất khoảng 670 triệu đồng. Trong khi đó, Suzuki Ertiga nhập khẩu nguyên chiếc từ Ấn Độ, hộp số tự động, chịu thuế nhập khẩu hiện hành là 68% có mức giá bán là 599 triệu đồng.

Anh này chia sẻ: “Từ khi giá ô tô nhập khẩu từ ASEAN giảm, những xe sản xuất trong nước thực sự gặp khó, số lượng xe bán ra giảm đi trông thấy. Đặc biệt, theo lộ trình đến năm 2018, thuế nhập khẩu còn 0% sẽ khiến nhà sản xuất, phân phối xe trong nước như chúng tôi như ngồi trên đống lửa vì cạnh tranh quá khó”.

Từ đó có thể thấy, mặc dù khuyến mãi, giảm giá liên tục nhưng xe sản xuất, lắp ráp trong nước thật sự khó cạnh tranh với xe nhập khẩu nếu không có sự thay đổi trong thời gian tới.

Xuân Khải

xe.nguoiduatin.vn