Bác sĩ Liu Boren (Đài Loan, Trung Quốc) gần đây đã chia sẻ trường hợp một người đàn ông tuổi 30 tuổi bị ung thư thận vì thói quen sử dụng dụng cụ đựng đồ ăn. Theo lời người này kể lại, anh đi khám sau một thời gian dài bị đau thắt lưng kèm tiểu ra máu. Lúc phát hiện, bệnh đã ở giai đoạn cuối.
Tuy nhiên, bác sĩ tại bệnh viện địa phương không tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Anh có lối sống lành mạnh, không hút thuốc hay uống rượu, luôn đi ngủ sớm nên cảm thấy rất khó hiểu. Theo lời người quen giới thiệu, anh tìm đến bác sĩ Liu Boren.
Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ Liu phát hiện chỉ số PFAS (hợp chất polyfluoroalkyl) trong cơ thể anh này vượt quá tiêu chuẩn nghiêm trọng. Phân tích thêm các chỉ số khác cùng lối sống và dinh dưỡng, cuối cùng kết luận nguyên nhân ung thư thận của anh là do nhiễm quá nhiều PFAS từ dụng cụ ăn uống hàng ngày.
Cụ thể, trong hơn 10 năm qua, anh này thường xuyên gọi các suất ăn nấu sẵn từ bên ngoài để đảm bảo dinh dưỡng mà vẫn tiết kiệm thời gian. Chúng thường được đựng trong các dụng cụ đựng đồ ăn một lần như hộp xốp, hộp nhựa mỏng đi kèm thìa - đũa nhựa dùng một lần. Chưa kể, ăn xong anh có thói quen giữ lại các dụng cụ ăn uống này để đựng đồ ăn tự nấu. Lúc mang ra ngoài hay tới công ty đều rất tiện, không kịp rửa có thể vứt bỏ mà không tiếc.
Tại sao dụng cụ đựng đồ ăn một lần có thể gây ung thư?
Bác sĩ Liu Boren chia sẻ, các dụng cụ ăn uống dùng một lần tuy tiện lợi nhưng không “thân thiện” với sức khỏe. Đặc biệt, chúng chứa PFAS - một loại hóa chất được sử dụng phổ biến để chống dính, chống nước và giảm ma sát. Ngoài hộp nhựa, hộp xốp hay thìa/đũa/cốc… dùng một lần thì còn có thể tìm thấy trong thành phần sản xuất chảo chống dính, áo mưa, quần áo chống mồ hôi…
Điều nguy hiểm là hóa chất này có độ bền rất cao và gần như không phân hủy trong môi trường, khiến chúng tích tụ trong cơ thể theo thời gian. Khi sử dụng lâu dài các dụng cụ ăn uống dùng một lần hoặc dùng chúng với thực phẩm nóng, thực phẩm có tính axit, thực phẩm nhiều dầu mỡ sẽ khiến PFAS thôi nhiễm vào thực phẩm rồi xâm nhập vào cơ thể. Từ đó gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như ngộ độc, ung thư, rối loạn nội tiết, suy giảm miễn dịch, tổn thương gan, tăng cholesterol và các bệnh liên quan đến thai kỳ như tiền sản giật.
Đối với ung thư thận, bác sĩ Liu giải thích: “PFAS thường gây ung thư phổ biến ở gan và thận - các cơ quan lọc và bài tiết chất độc. Khi tích tụ trong cơ thể, chúng làm tổn thương tế bào thận, gây viêm mãn tính, rối loạn nội tiết và tăng stress oxy hóa, tạo điều kiện cho tế bào ung thư phát triển. Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí của Viện Ung thư Quốc gia Trung Quốc, việc tiếp xúc với PFAS làm tăng nguy cơ mắc ung thư biểu mô tế bào thận ít nhất 2,63 lần”.
Bác sĩ Liu Boren cảnh báo thêm, ngoài việc hạn chế sử dụng các dụng cụ ăn uống dùng một lần, dụng cụ nấu nướng chống dính bị trầy xước cũng tiềm ẩn nguy cơ giải phóng PFAS rất cao. Hãy cẩn trọng để bảo vệ sức khỏe!
Nguồn và ảnh: EBC, Family Doctor
Ngọc Ái