Khó xóa 3.000 lối đi tự mở vì thiếu tiền
Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 358 phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt. Mục tiêu chính là đến năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở. Khi đó, còn hơn 5.000 lối đi tự mở trên toàn mạng lưới đường sắt quốc gia.
Triển khai đề án, một số địa phương đã bố trí kinh phí để giải phóng mặt bằng, làm đường gom. Nhưng do khối lượng theo đề án rất lớn nên nguy cơ chậm tiến độ là nhãn tiền.
Đến nay sau 3 năm mới xóa bỏ, rào kín được 672 lối đi tự mở, còn tồn tại đến 3.352 lối đi; Hơn 11.000 vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao.
Tương tự, các công trình, hạng mục khác đều chậm tiến độ, hiện mới xây được hơn 19km đường gom, hàng rào trên tổng số hơn 650 km; 3/297 đường ngang; 2/149 hầm chui...
Theo ông Nguyễn Huy Hiền, Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN, khó khăn lớn nhất vẫn là không có vốn và vướng các quy định pháp luật. Về vốn, nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng công trình phụ trợ (cầu vượt, hầm chui, đường ngang, hàng rào/đường gom...) chưa được cấp thẩm quyền bố trí theo lộ trình của Quyết định 358.
Về trách nhiệm, địa phương phải ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để xây hàng rào, đường gom nhưng nhiều nơi không chủ động. Trường hợp địa phương không bố trí được vốn, thay vì chủ động làm thủ tục xin ngân sách Trung ương hỗ trợ, có địa phương lại đề nghị "ngược" lại Bộ GTVT bố trí.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện đề án, nhiều địa phương đề nghị cho phép làm đường gom trên đất hành lang ATGT đường sắt vì không có quỹ đất. Tuy nhiên, theo Luật Đường sắt, việc này không được phép.
"Trên thực tế, nếu cho phép thì chỉ cần làm hàng rào ngăn đường sắt, đường gom là xóa được lối đi tự mở, giữ được an toàn cho cả người dân và an toàn chạy tàu. Vì vậy, Cục đã đưa đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về nội dung này vào hồ sơ sửa đổi Luật Đường sắt 2017 nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ thực hiện đề án", ông Hiền cho biết.
Đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng hết năm 2024
Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xin ý kiến về dự án nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2024.
Tại dự thảo tờ trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2024, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức giảm thuế như quy định tại Nghị quyết số 30.
Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường với xăng (trừ ethanol) giảm 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn 1.000 đồng/kg; dầu hỏa: 600 đồng/lít.
Để đảm bảo tính liên tục và kịp thời, Bộ Tài chính đề nghị nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024.
Từ ngày 1/1/2025, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ trở lại thực hiện theo Nghị quyết số 579 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nam Lê (tổng hợp)