Ngược dòng lịch sử xem cha ông ta dựng nước, giữ nước
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy…”
_ Tuyên ngôn Độc lập, 2/9/1945 _
Có lẽ không nhiều người chứng kiến khoảnh khắc lịch sử này của dân tộc còn sống nhưng chắc chắn có rất nhiều người Việt Nam thuộc lòng câu nói này của Bác Hồ. Bởi trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam đã trải qua quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước kiên cường, hào hùng. Bởi hơn bất cứ dân tộc nào trên thế giới, người Việt hiểu rõ giá trị của độc lập, tự do và hoà bình.
Đây cũng là lý do mà những ngày này, người dân Việt Nam dành sự quan tâm đặc biệt cho sự kiện Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính thức mở cửa đón, phục vụ khách tham quan.
Ngay từ sáng sớm, dòng người và xe đã đổ về Đại lộ Thăng Long - nơi tọa lạc mới của bảo tàng. Hòa trong dòng người đó, một lần nữa tôi được cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết về một tinh thần đã được bảo vệ, duy trì trong hàng nghìn năm qua và ngày càng sáng rực: tình yêu với văn hoá lịch sử dân tộc.
Trước khi đến thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, tôi đã chuẩn bị một bộ áo dài. Thú thực, tôi có chút e ngại, sợ mình làm… quá. Nhưng hoá ra là quá bất ngờ, tôi không phải là người duy nhất chọn trang phục truyền thống để đến đây.
Xung quanh tôi là không ít bạn trẻ mặc áo dài. Họ cũng giống tôi, cùng là máu đỏ da vàng, cùng mong muốn được hiểu hơn về công cuộc bảo vệ độc lập dân tộc, cùng đến đây với sự tự hào và tình yêu đất nước như hàng trăm triệu người Việt Nam khác. Thấp thoáng đâu đó là những bộ trang phục đặc biệt. Các bác cựu chiến binh với chiếc áo màu xanh đặc trưng, các cô chú người dân tộc thiểu số mặc quần áo truyền thống của dân tộc mình,...
Xung quanh tôi còn có rất nhiều hiện vật và nhân vật lịch sử, thông tin và câu chuyện lịch sử. Đôi khi là những cái tên quen thuộc với bất kỳ ai như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mẹ Suốt - Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Suốt, Anh hùng - Trung tướng Phạm Tuân,... Có lúc là những hiện vật quý giá như Bảo vật quốc gia - Máy bay MiG-21 số hiệu 4324 mang trên mình 14 ngôi sao đỏ, tượng trưng cho 14 chiến công bắn rơi máy bay Mỹ từ năm 1965 - 1967, được Thủ tướng Chính phủ công nhận ngày 14/01/2015.
Xung quanh tôi còn có rất nhiều âm thanh. Đó là tiếng hát Quốc ca trong trẻo của các bạn nhỏ đến từ những trường Tiểu học ở Hà Nội và lân cận. Đó là tiếng 2 bác cựu chiến binh ngồi dưới một chiếc xe tăng và ôn lại chuyện xưa về “Sư đoàn chúng tôi đóng ở…”. Đó là tiếng một bác lớn tuổi quay sang nói với tôi lúc 2 bác cháu cùng đứng đọc thông tin về Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu: “À, ông này vẫn còn sống này”.
Tất cả đều đem lại cảm giác tự hào vô cùng!
Gen Z xin nghỉ làm đi thăm bảo tàng: Xúc động và tự hào hơn bao giờ hết!
Trong dòng người đến thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có rất nhiều người trẻ nói chung và Gen Z nói riêng. Là thế hệ may mắn được sinh ra trong thời bình, khi đất nước đã vượt qua muôn vàn khó khăn và đang trên đà phát triển nhưng họ vẫn luôn theo dõi, tìm hiểu truyền thống văn hoá, lịch sử của dân tộc.
Trong dịp Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính thức mở cửa, nhiều bạn trẻ còn quyết định xin nghỉ làm, tranh thủ thời gian nghỉ học để đến thăm từ ngày đầu tiên. Đặc biệt, Gen Z còn làm rõ góc nhìn của mình với “làn sóng” quan tâm, hướng đến văn hoá lịch sử dân tộc hiện tại.
Vốn quan tâm đến lịch sử và biết thông tin về địa điểm mới của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam từ 2 năm trước, Đỗ Thái Dương (sinh năm 2000) vô cùng hào hứng hơn trước thông báo mở cửa. Anh chàng đã xin nghỉ làm để đến thăm ngay trong ngày đầu tiên bảo tàng đón khách: “Mình thấy bảo tàng mới khang trang, quy mô, nhiều tư liệu lịch sử”.
Về sự quan tâm đến văn hoá lịch sử của người trẻ ngày càng nhiều, Dương chia sẻ: “Mình thấy rất hay. Trước đây mọi người thường nói người trẻ ít quan tâm đến lịch sử nhưng việc nhiều người trẻ đến đây có thể chứng minh họ không hề xa rời lịch sử hay không quan tâm mà cách tiếp cận của mỗi thế hệ sẽ khác nhau. Việc bảo tàng tạo điều kiện thế này cũng là dịp để người trẻ tiếp cận với lịch sử Việt Nam nhiều hơn, giúp chúng mình hiểu rằng phải gìn giữ và phát huy thành quả cách mạng của cha ông một cách xứng đáng”.
Cũng theo Thái Dương, người trẻ có nhiều cách tiếp cận thông tin văn hoá lịch sử, đặc biệt là thông qua MXH. Song anh chàng lưu ý thêm rằng những thông tin này có thể bị nhiễu, chưa chính xác nên việc đến thăm các bảo tàng sẽ đem đến thông tin chính thống, chính xác nhất.
Giống như Thái Dương, Kiên (sinh năm 2000) và Thảo (sinh năm 2002) không ngại điều chỉnh lịch làm việc, một người xin nghỉ làm và một người đổi ca để đến thăm bảo tàng từ khá sớm. Cùng thích lịch sử và tìm hiểu từ khi còn đi học nên cả hai đều bày tỏ sự xúc động. “Mình rất vui và xúc động vì được chứng kiến trực tiếp những hiện vật lịch sử, hiểu rõ hơn về những câu chuyện và bối cảnh lịch sử của cha ông” - Thảo nói.
Kiên chia sẻ thêm: “Việc người trẻ quan tâm đến văn hoá lịch sử là điều rất đáng ủng hộ và phát huy vì hòa bình cần được gìn giữ qua các thế hệ”.
Đây cũng là tâm sự của Đức (sinh năm 2000): “Mình là người trẻ Việt Nam, mình nên phát huy mạnh mẽ hơn việc tìm hiểu các truyền thống văn hoá, lịch sử của dân tộc. Từ đó chia sẻ đến bạn bè quốc tế để họ biết rằng dân tộc ta đã trải qua những đau thương thế nào, có những chiến thắng hào hùng ra sao để đổi lấy hòa bình ngày nay”.
Cũng nói về thái độ của người trẻ với văn hoá, lịch sử dân tộc, Thoa (sinh viên) lại có góc nhìn cởi mở: “Thời gian vừa qua, người trẻ thể hiện tinh thần yêu nước rất rõ ràng, nhất là ngày lễ và các sự kiện đặc biệt thế này. Có thể bình thường họ rất bận rộn nhưng mỗi dịp lễ của đất nước đều tranh thủ mặc đẹp, đến các địa điểm văn hoá, lịch sử để chụp ảnh, nhắc nhớ về những sự kiện đó. Có nhiều người nói rằng đó chỉ là sống ảo nhưng mình nghĩ đó là cách lan toả riêng của người trẻ và đáng được ủng hộ”.
Đôi bạn Ngọc Linh và Phương Linh (cùng sinh năm 2003) cũng rất xúc động và biết ơn khi đứng giữa không khí hào hùng trang nghiêm, lắng đọng mà Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đem lại. Chính vì vậy mà cả hai cũng có những lời nhắn gửi đến các bạn trẻ giống như mình:
“Dạo gần đây mình thấy các bạn trẻ đến bảo tàng, di tích văn hoá lịch sử rất nhiều. Nhưng có một điều khá phổ biến là không phải tất cả đều đến với tinh thần tìm hiểu kiến thức, lịch sử mà chỉ là để tạo dáng chụp ảnh rồi thôi. Vậy nên mình mong là ngoài hoạt động đó, các bạn có thể dành thêm thời gian tìm hiểu, trải nghiệm văn hoá”.
Ngân (sinh năm 2006, sinh viên Học viện Chính sách và Phát triển) lại tranh thủ được nghỉ học buổi sáng để đi bảo tàng. Ngoài sự tự hào khi được nhìn lại quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông, Ngân còn đặc biệt ấn tượng với hình ảnh các bạn nhỏ được bố mẹ, thầy cô đưa đi thăm quan bảo tàng.
“Có thể lúc này các bạn nhỏ chưa hiểu hết những gì được xem, được thấy nhưng được giới thiệu, tìm hiểu về truyền thống dân tộc sẽ là hạt mầm đầu tiên về lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Để rồi sau này khi lớn lên, các bạn ấy sẽ là thế hệ tiếp theo gìn giữ hòa bình, nền độc lập dân tộc và phát triển đất nước” - cô bạn nói.
Một số hình ảnh khác tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trong ngày đầu tiên chính thức mở cửa đón, phục vụ khách tham quan miễn phí:
Năm 2019, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng mới trên diện tích 386.600m2, diện tích xây dựng 23.198m2, diện tích sàn toà nhà chính 64.640m2 với quy mô 4 tầng nổi và 1 tầng hầm.
Phía trước toà nhà chính là Tháp Chiến thắng, cao tới 45m, với hình ngôi sao năm cánh được xếp chồng nhiều lớp, tượng trưng cho năm 1945, dân tộc Việt Nam giành được độc lập. Cánh bên phải và bên trái là khu trưng bày các hiện vật ngoài trời. Khu tiền sảnh và đại sảnh của nhà chính được xây dựng và trưng bày biểu tượng thể hiện thông điệp Việt Nam yêu chuộng hoà bình.
Hệ thống trưng bày tại tầng 1 có hàng nghìn hiện vật, được tổ chức hiện đại, khoa học, phong phú, ứng dụng công nghệ tiên tiến theo 6 chủ đề:
Chủ đề 1 - Buổi đầu dựng nước và giữ nước
Chủ đề 2 - Bảo vệ Độc lập dân tộc từ năm 939 đến năm 1858
Chủ đề 3 - Chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc từ năm 1858 đến năm 1945
Chủ đề 4 - Cuộc kháng chiến chống Pháp từ năm 1945 đến năm 1954
Chủ đề 5 - Cuộc kháng chiến chống Mỹ 1954 - 1975
Chủ đề 6 - Xây dựng và bảo vệ đất nước sau 1975 đến nay
Từ ngày 01/11/2024, trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính thức mở cửa đón, phục vụ khách tham quan và miễn phí vé tham quan đến hết tháng 12/2024 tại địa chỉ: Km 6+500 Đại Lộ Thăng Long, Phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Huyền Trang - Ảnh: Lữ Phụng Tiên & Nhật Anh/ Clip: Nhật Anh