Cụ thể, theo Cục An toàn thông tin, trong dịp nghỉ tết Nguyên đán Quý Mão 2023 kéo dài khoảng 7 ngày, từ 20/1 đến hết ngày 26/1, việc đảm bảo an toàn thông tin mạng đã được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tốt.
Trong đó, thông qua hệ thống giám sát xử lý tấn công mạng, Cục đã ghi nhận và cảnh báo 508 cuộc tấn công mạng, tăng 23% so với 1 tuần trước nghỉ Tết và tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong mạng IP botnet (mạng máy tính ma) cũng giảm 61,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ nghỉ lễ này, Cục An toàn thông tin cũng đã hỗ trợ ứng cứu 41 sự cố an toàn thông tin mạng. Theo đánh giá từ các chuyên gia thuộc Cục, đây đều là những sự cố được đánh giá ở mức trung bình và thấp, không gây hậu quả nghiêm trọng.
![canh bao canh bao](https://media1.nguoiduatin.vn/media/bien-tap-vien/2023/01/30/canh-bao.jpg)
Để đảm bảo an toàn thông tin, Cục đã chủ trì tổ chức 3 nhóm trực 24/7, bao gồm nhóm giám sát, hỗ trợ ứng cứu xử lý tấn công mạng; nhóm giám sát thông tin trên không gian mạng và nhóm hỗ trợ xử lý tin nhắn rác.
Qua đó, hệ thống giám sát thông tin trên không gian mạng ghi nhận được tỷ lệ thông tin tiêu cực về đất nước, con người Việt Nam trên mạng khoảng 2,9%; tỷ lệ thông tin tiêu cực về các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên mạng khoảng 4%.
Các cơ quan, đơn vị chuyên môn đã chủ động phối hợp với các mạng xã hội, trang tin điện tử tổng hợp, đặc biệt là các mạng xã hội xuyên biên giới để xử lý kịp thời các thông tin xấu độc, thông tin sai sự thật, thông tin giả.
Với hệ thống hỗ trợ xử lý tin nhắn rác, trong thời gian nghỉ tết Nguyên đán 2023, hệ thống này đã tiếp nhận 394 phản ánh về tin nhắn rác, tăng 11% so với năm trước.
Theo lý giải của của Cục An toàn thông tin, sở dĩ đợt nghỉ Tết vừa qua không xảy ra sự cố an toàn thông tin mạng nghiêm trọng là bởi công tác đảm bảo an toàn thông tin đã sớm được chuẩn bị và triển khai quy củ.
Thành Đô