Hiện nay, không còn nhiều đại gia đình có hàng trăm thành viên, luôn yêu thương và đoàn kết. Người ta còn cho rằng việc anh chị em họ mấy đời gắn kết với nhau là điều khó tồn tại. Thậm chí có lúc họ hàng còn chẳng biết tên, mặt mũi của nhau.
Ở Hà Nội có một đại gia đình gồm 200 thành viên luôn yêu thương, đoàn kết lẫn nhau. Đặc biệt trong dịp lễ tết hoặc giỗ chạp, con cháu đều về tề tựu đông đủ.
Chia sẻ trên Tri thức và Cuộc sống, anh Sơn, hiện làm nghề trong lĩnh vực Tài Chính – Ngân hàng tại Hà Nội cho biết, "Ông bà nội tôi sinh được 10 người con. Tất cả đều sinh sống tại Thủ đô Hà Nội, cũng chính là quê hương của mọi người. Hiện tại quân số của gia đình là 200 thành viên, trong đó có tới 100 người cháu.
Còn ông bà ngoại có 8 người con, trong đó có 2 người con trai và 6 người con gái. Vì sinh ít hơn bên nội nên tổng thành viên cũng ít hơn đến một nửa, khoảng hơn 100 người. Tôi vẫn thường đùa với mọi người rằng dù ngoại ít hơn nội nhưng luôn tự hào sinh ra trong gia đình có đông các bác, anh chị em họ. Đặc biệt đại gia đình luôn đoàn kết và tương trợ lẫn nhau những khi khó khăn".
Bố Sơn là con áp út, sinh được 3 con, anh là con trai út. "Bố mẹ tôi đều là người sống tình cảm, thích cảnh đoàn viên, các con cháu tụ tập quây quần bên mâm cơm gia đình nên cứ mỗi dịp giỗ, hiếu hỷ hoặc nhân dịp ngày nào đó đặc biệt đều ủng hộ và động viên đại gia đình tổ chức tiệc tùng.
Thậm chí bố mẹ cũng khuyên anh chị em tôi nên sắp xếp công việc để tham dự cùng. Đó không chỉ là dịp chúng tôi nhớ về cội nguồn, thăm hỏi các bác, chú thím mà còn là cơ hội để chúng tôi gặp gỡ anh chị em họ, các cháu ở xa", Sơn nói.
Các thành viên trong gia đình Sơn sống gần nhau nên mỗi dịp lễ Tết, giỗ chạp đều tụ họp đông đủ. Gia đình anh có truyền thống đặc biệt là không bao giờ đặt cỗ ngoài, khi nhà có công việc, mọi người đều chung tay tự chuẩn bị cỗ bàn bởi lẽ, ai cũng thích không khí vui vẻ, cùng nhau nấu cỗ, theo Tạp trí Nông thôn Việt.
“Từ già đến trẻ, mỗi người một việc, ai cũng đóng góp công sức cho vài chục mâm cỗ chung. Việc này giúp tạo nên không khí vui vẻ, gần gũi, sum vầy và mọi thành viên trong gia đình mình đều trân trọng điều đó. Thường thì bữa cơm tất niên, giỗ chạp sẽ được tổ chức ở nhà bác trưởng của mình. Mỗi dịp Tết đến, đại gia đình mình cũng hẹn nhau tập trung tại nhà bác trưởng thắp hương tổ tiên và chúc nhau sức khỏe”, Sơn chia sẻ.
Bản thân Sơn hay mọi thành viên khác không bao giờ bị áp lực về khoản tiền lì xì Tết khi con cháu trong nhà quá đông. Bởi lẽ, điều mọi người trân trọng nhất là tình cảm gia đình, tiền mừng tuổi nhiều hay ít cũng chỉ mang ý nghĩa lấy may.
"Với tôi chỉ cần gặp mặt mọi người trong đại gia đình và chúc nhau sức khỏe là đủ. Còn vấn đề lì xì, nhà đông con đông cháu có thể mừng tuổi ít đi một chút cũng được, tùy thuộc vào kinh tế trong từng thời điểm, giai đoạn của bản thân. Tôi chỉ mong đại gia đình luôn giữ lửa, giữ truyền thống hàng năm với nhau thế là quá đủ", Sơn bộc bạch.
Là một thành viên của đại gia đình, Sơn luôn cảm thấy rất hạnh phúc và may mắn khi được sống ở nơi mà tất cả thành viên đều đặt tình cảm lên hàng đầu. Anh sẽ giữ vững truyền thống đoàn kết, yêu thương lẫn nhau của dòng họ.
Bình luận tiêu biểu (0)