Bài đăng sau khi được chia sẻ đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng những người theo dõi tài khoản của CEO này. Khi làm rõ hơn về điều này, CEO OpenAI cho biết: “Tôi đã chọn mức giá này (200 USD/tháng cho gói GPT Pro), và tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ kiếm được một số tiền”. Tuy nhiên thực tế lại không như kỳ vọng ban đầu của Altman cũng như các lãnh đạo của công ty.
Gói dịch vụ ChatGPT Pro được OpenAI ra mắt hồi tháng 12/2024 và hiện vẫn là gói dịch vụ đắt đỏ nhất của công ty này. So với các gói dịch vụ của các đối thủ, ChatGPT Pro có giá đắt đỏ hơn khá nhiều. Ví dụ các gói Claude của Anthropic đang có giá từ 18 – 20 USD. Bản thân so sánh các gói cước của OpenAI như ChatGPT Plus, gói cước này cũng đắt gấp 10 lần. Theo The New York Times, công ty này đang có kế hoạch tăng giá ChatGPT Plus lên 44 USD/tháng vào năm 2029.
Nếu so GPT Pro với các gói cước từ các đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc, khoảng cách về giá lại còn xa hơn nữa. Tuy nhiên, “đắt sắt ra miếng”, dù có giá cực đắt đỏ nhưng ChatGPT Pro vẫn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khách hàng.
Khi đăng ký ChatGPT Pro, khách hàng có đặc quyền truy cập không giới hạn đến tất cả các mô hình của OpenAI, bao gồm phiên bản đầy đủ của mô hình lý luận o1, chế độ o1 Pro, đồng thời không phải chịu các giới hạn về tốc độ trên một số công cụ khác của công ty như công cụ tạo video Sora. Có lẽ bởi không bị chịu các giới hạn kể trên khiến cho người dùng thoải mái hơn trong quá trình sử dụng, truy cập ChatGPT nhiều hơn khiến cho chi phí vận hành của OpenAI cũng từ đó tăng lên, vượt qua tính toán dự kiến của công ty.
Thực tế là OpenAI vẫn đang trong tình trạng thua lỗ, mặc dù đã huy động được khoảng 20 tỷ USD kể từ khi thành lập. Công ty được cho là lỗ khoảng 5 tỷ USD trên doanh thu 3,7 tỷ USD vào năm ngoái. Phần lớn các khoản chi của OpenAI như chi phí nhân sự, tiền thuê văn phòng và cơ sở hạ tầng đào tạo AI khiến cho mức thua lỗ ngày càng trở nên trầm trọng. ChatGPT đã từng khiến OpenAI tốn khoảng 700 USD mỗi ngày.
Sau khi kết thúc vòng gọi vốn 15 tỷ USD gần đây, công ty tiếp tục thừa nhận rằng họ “Cần nhiều vốn hơn tưởng tượng trước đó”. Công ty cũng đang trên đà tái cấu trúc lại doanh nghiệp, chuyển từ doanh nghiệp phi lợi nhuận thành một tổ chức vì lợi nhuận thông thường. Điều này sẽ khiến cho công ty dễ dàng chia lợi nhuận cho các nhà đầu tư, đảm bảo quyền lợi cho họ cũng như tiếp tục thu hút được các nguồn tiền mới trong tương lai.
Dù vẫn còn rất nhiều khó khăn, tuy nhiên OpenAI vẫn lạc quan dự đoán doanh thu của mình sẽ đạt 100 tỷ USD vào năm 2029, tương đương với doanh số hàng năm hiện tại của Nestle.
Thành Đô