Ngay từ những ngày đầu lên nắm quyền, Adolf Hitler đã lên kế hoạch xây dựng Kriegsmarine (Hải quân Đức Quốc xã) thành một lực lượng hải quân hùng mạnh trên thế giới. Hầu hết các hạm đội hải quân lớn trên thế giới khi đó đều có tàu sân bay, vì vậy các chỉ huy Hải quân Đức sớm xác định rằng lực lượng của họ cũng cần có tàu sân bay.
Đức bắt đầu đóng chiếc tàu sân bay đầu tiên của mình vào tháng 12/1936 và hai năm sau con tàu được hạ thủy với tên gọi Graf Zeppelin. Tuy nhiên, con tàu này chưa bao giờ được đưa vào hoạt động do những tranh chấp giữa không quân và hải quân trong việc giành nguồn lực đầu tư và nhu cầu của Đức Quốc xã do tình thế chiến tranh thay đổi.
Tuy nhiên, nếu Graf Zeppelin đi vào hoạt động, nó có thể gây ra những vấn đề to lớn cho Hải quân Hoàng gia Anh. Graf Zeppelin có thể đe dọa đến tuyến đường thương mại của Anh và ít nhất cũng khiến chiến dịch chống tàu ngầm của phe Đồng minh trở nên phức tạp hơn.
Tàu sân bay Graf Zeppelin
Hải quân Hoàng gia Anh bắt đầu cải tạo những chiếc tàu chiến lớn thành tàu sân bay trước khi Thế chiến 1 kết thúc. Đến đầu những năm 1920, Nhật Bản và Mỹ cũng đẩy nhanh tốc độ đóng tàu sân bay. Pháp cũng tham gia ngay sau đó, Liên Xô và Italia cũng bắt đầu có những động thái hướng tới việc đóng tàu sân bay.
Hiệp ước Versailles đã ngăn cản Đức Quốc xã xây dựng lực lượng không quân và hải quân. Tuy nhiên, khi Hitler đã phớt lờ những quy định trong hiệp ước và coi tàu sân bay là ưu tiên cho lực lượng hải quân. Đức quyết định đóng 2 tàu sân bay có lượng giãn nước lên tới 33.000 tấn. Mặc dù việc tiếp cận công nghệ đóng tàu bị hạn chế, nhưng người Đức đã xoay xở để có được một số vật liệu kỹ thuật từ Nhật Bản trong quá trình thiết kế.
Vào thời điểm hạ thủy, Graf Zeppelin dự kiến sẽ có trọng tải lên tới 35.000 tấn, rất lớn đối với một tàu sân bay thời đó. Graf Zeppelin có tốc độ thiết kế là 35 hải lý trên giờ, được xếp vào loại tàu sân bay nhanh nhất từng được chế tạo khi đó. Con tàu cũng được trang bị một loạt vũ khí phòng không tiên tiến nhất lúc bấy giờ. Ngoài ra, tàu sân bay của Đức còn được đánh giá cao hơn nhờ có sàn bay bọc thép, trong khi tàu Mỹ hoặc Nhật Bản lúc bấy giờ chủ yếu vẫn sử dụng sàn gỗ.
Graf Zeppelin có thể mang theo một phi đội máy bay lớn. Công tác đào tạo phi công và phát triển máy bay bắt đầu vào năm 1938. Nhiệm vụ này được giao cho Không quân Đức, tuy nhiên sự hợp tác giữa không quân và hải quân đã không đạt được kết quả.
Theo thiết kế, phi đội trên tàu sân bay sẽ bao gồm 20 máy bay phóng ngư lôi Fi 167, 10 chiến đấu cơ Bf 109 và 13 máy bay ném bom bổ nhào Stuka. Khi dự án hoàn thiện, Đức đã thay thế Fi 167 bằng Ju-87.
Vai trò của Graf Zeppelin
Graf Zeppelin sẽ đóng vai trò là soái hạm của Kriegsmarine, hỗ trợ và bảo vệ các thiết giáp hạm Đức trong các hoạt động chống lại Hải quân Hoàng gia Anh và các kẻ thù khác.
Tàu sân bay Graf Zeppelin có một số lợi thế so với các thiết giáp hạm như Bismarck và Scharnhorst. Khả năng trinh sát trên không sẽ giúp Graf Zeppelin dễ dàng phát hiện mục tiêu hơn hoặc chỉ thị tọa độ mục tiêu cho các tàu chiến khác tấn công.
Những chiếc máy bay ném bom và phóng ngư lôi trên Graf Zeppelin không chỉ dễ dàng tấn công những đoàn tàu buôn của Anh mà còn có khả năng chống lại tàu và các phi đội hộ tống. Phi đội chiến đấu cơ của Graf Zeppelin có thể đối phó với các máy bay Swordfish của Không quân Anh, loại máy bay đã đánh chìm thiết giáp hạm Bismarck.
Chiếc tàu sân bay cũng có thể phối hợp hoạt động với một thiết giáp hạm hoặc tàu tuần dương hạng nặng, điều này sẽ tăng phạm vi trinh sát và sức sát thương của đội hình đột kích, đồng thời cũng cung cấp khả năng bảo vệ chống lại máy bay của Anh.
Nhưng vấn đề lớn nhất cản trở hoạt động của tàu sân bay là việc bảo đảm hậu cần. Việc duy trì hoạt động của tàu sân bay rất tốn kém về mặt nhiên liệu, đạn dược và phụ tùng thay thế. Anh, Mỹ và Nhật đều giải quyết vấn đề này theo những cách khác nhau và có hiệu quả khác nhau, nhưng không bên nào trong số họ sử dụng tàu sân bay trong các hoạt động đột kích tầm xa tách biệt khỏi các căn cứ hậu cần như Đức. Đức đã duy trì một mạng lưới tàu tiếp tế ở Đại Tây Dương, nhưng những con tàu này không thể bảo đảm cho Graf Zeppelin hoạt động hiệu quả trong thời gian dài.
Khi chiến tranh nổ ra, người Đức đã nhận ra rằng, Graf Zeppelin là khoản đầu tư quá lớn so với những ưu tiên khác. Chiếc tàu thứ hai của lớp này đã bị phá hủy trong quá trình đóng và công việc hoàn thiện Graf Zeppelin diễn ra một cách rời rạc trong suốt cuộc chiến. Sau chiến tranh nó bị Liên Xô tịch thu và đánh chìm vào năm 1947 như một mục tiêu tác xạ.
Bình luận tiêu biểu (0)