Hôm 19/10, 4 ngày sau vụ hỏa hoạn tại trung tâm dữ liệu ở Pangyo, gần Seoul (Hàn Quốc), Whon Namkoong - đồng CEO của Kakao - đã tổ chức họp báo nhận trách nhiệm về sự cố và tuyên bố từ chức. Hiện tại hầu hết các dịch vụ của Kakao đã được khôi phục hoạt động bình thường, bao gồm Kakaomail và TalkChannel.
Ông Namkoong gia nhập Kakao vào năm 2015 và được bổ nhiệm vào vai trò đồng giám đốc điều hành hồi tháng 3 năm nay. Tại cuộc họp báo hôm thứ 19/10, Namkoong đã xin lỗi về sự cố mất điện hàng loạt trong một thời gian dài như vậy và nói rằng ông cảm thấy “gánh nặng trách nhiệm” về sự cố, đồng thời nói thêm rằng công ty sẽ cố gắng hết sức để khôi phục niềm tin của người dùng.
Theo hồ sơ công ty, Euntaek Hong - người đã lãnh đạo Kakao cùng với Namkoong sẽ trở thành người đứng đầu duy nhất của công ty. Ông Hong cho biết trong một cuộc họp báo rằng công ty có kế hoạch đầu tư khoảng 325 triệu USD để xây dựng trung tâm dữ liệu của riêng mình vào năm tới và hoàn tất ngay trong năm đó. Cổ phiếu của Kakao đã sụt giảm hồi đầu tuần nhưng đã phục hồi nhẹ sau thông báo từ chức của Namkoong.
Vì sao Kakao khiến Hàn Quốc hỗn loạn?
KakaoTalk là ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất ở Hàn Quốc, với mỗi tháng có đến hơn 47 triệu người dùng hoạt động, chiếm hơn 90% tổng số dân quốc gia này (51,7 triệu). Ứng dụng này cũng được sử dụng bởi các quan chức chính phủ và doanh nghiệp, bao gồm các ngân hàng, dịch vụ gọi xe và dịch vụ thanh toán. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol thậm chí gọi KakaoTalk là một “cơ sở hạ tầng truyền thông quốc gia”.
Được biết, sự cố hỏa hoạn đã gây mất điện hàng loạt vào cuối tuần tại tòa nhà SK C&C và làm gián đoạn một số dịch vụ của Kakao, bao gồm Messenger, gọi xe, thanh toán, ngân hàng và chơi game. Điều này xuất phát từ việc Kakao chỉ sử dụng trung tâm dữ liệu duy nhất đặt tại tòa nhà này. Kết quả là, khi sự cố xảy ra, toàn bộ hệ sinh thái của Kakao đều phải tạm dừng hoạt động, khiến nhiều người dân Hàn Quốc không thể trả tiền cho các vật dụng hàng ngày tại các cửa hàng tiện lợi hoặc đặt hàng thức ăn. Du khách bị mắc kẹt vì không thể đặt taxi, trong khi tài xế trải qua nhiều ngày không có thu nhập.
Báo cáo từ The New York Times cho biết, nhiều nhóm khách hàng đang chuẩn bị một vụ kiện tập thể chống lại Kakao. Các luật sư cho rằng sự cố ngừng hoạt động là hậu quả của sự sơ suất và chuẩn bị không đầy đủ của công ty.
Các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Bernstein cho biết trong một báo cáo tuần này rằng quá trình phục hồi chậm chạp của Kakao là do công ty thiếu cơ sở hạ tầng máy chủ thuộc sở hữu và phụ thuộc nhiều vào trung tâm dữ liệu SK C&C. Bên cạnh đó, Kakao cũng không có một hệ thống sao lưu phân tán tốt.
Ra mắt cách đây hơn một thập kỷ dưới dạng ứng dụng nhắn tin di động, Kakao từng bước chiếm lĩnh mọi ngõ ngách ở Hàn Quốc, tạo nên một vũ trụ của riêng mình với các dịch vụ khác nhau. Sự cố ngừng hoạt động kéo dài nhiều ngày và hậu quả của nó đã khiến Hàn Quốc suy nghĩ lại về sự phụ thuộc ngày càng tăng của đất nước vào các gã khổng lồ công nghệ. Tổng thống Yoon Suk-yeol đã ra lệnh điều tra vụ việc và đưa ra lo ngại về tình trạng độc quyền.
Thái An