Thứ "vàng đen" giúp các doanh nghiệp Việt Nam kiếm được gần 900 triệu USD trong 8 tháng đầu năm 2024 chính là hạt tiêu.
Ngày hôm nay (5/9), giá hạt tiêu hiện nay tiếp đà tăng, lên tới 152.000 – 153.000 đồng/kg (tùy địa phương). Đây là ngày thứ 6 liên tiếp giá tiêu trong nước tăng. Dù mức giá này vẫn còn cách khá xa so với mốc 180.000 đồng/kg, thời điểm đạt đỉnh lịch sử vào tháng 6/2024, nhưng vẫn cao hơn khoảng 80% so với đầu năm nay, đồng thời gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), khi kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá hạt tiêu đen Việt Nam ở mức 6.600 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l có giá 7.000 USD/tấn và giá hạt tiêu trắng ở mức 9.300 USD/tấn.
Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ ra rằng, giá xuất khẩu trung bình của hạt tiêu trong 8 tháng đầu năm 2024 ước đạt 4.810 USD/tấn, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, trong năm 2024, giá hạt tiêu xuất khẩu liên tục tăng cao, tính trung bình tăng từ 4.000 USD/tấn vào tháng 1 lên mức 5.954 USD/tấn vào tháng 8.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp Việt đã thu được khoảng 891 triệu USD nhờ bán 185.000 tấn hạt tiêu, giảm nhẹ 1,4% về lượng, nhưng tăng 44,9% về giá trị.
Đặc biệt, chỉ riêng trong tháng 8/2024, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam tăng 9,7% về lượng và tăng tới 75,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân là do giá trung bình xuất khẩu tăng 69,6%.
Mỹ, Đức và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là 3 thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, Mỹ vẫn là khách hàng lớn nhất của hạt tiêu Việt Nam khi chi tới 205,3 triệu USD để mua gần 43.170 tấn, tăng 47,5% về lượng và tăng 74,9% về giá trị.
Hiện tại, theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), thương mại hạt tiêu trên toàn cầu giảm mạnh trong nửa đầu năm 2024. Hiện nay, trong số 5 quốc gia xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới, Indonesia và Ấn Độ có sản lượng xuất khẩu tăng lần lượt là 48,3% và 34,1%. Trong khi đó, 2 quốc gia sản xuất hạt tiêu lớn nhất thế giới là Việt Nam và Brazil lại giảm lần lượt là 6,8% và 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo VPSA, dù có sự gia tăng mạnh từ nguồn cung của hai nước Indonesia và Ấn Độ nhưng vẫn không bù đắp được sự sụt giảm tại Việt Nam và Brazil.
Đại diện VPSA cho rằng, sản lượng thu hoạch giảm tại Việt Nam, Brazil chính là nguyên nhân chủ yếu khiến giá hạt tiêu tăng trên thế giới.
Giá "vàng đen" dự báo tiếp tục tăng
Theo dự báo của VPSA, giá của hạt tiêu trên thị trường toàn cầu sẽ tiếp tục tăng và neo ở mức cao trong thời gian tới. Nguyên nhân là do lượng hạt tiêu tồn ở nước ta không còn nhiều nên xuất khẩu mặt hàng này vào những tháng cuối năm sẽ thấp hơn so với mọi năm. Tình trạng này sẽ kéo dài cho đến khoảng tháng 3/2025 khi bước vào vụ thu hoạch mới.
Trên thực tế, để đáp ứng được nhu cầu về tiêu dùng và sản xuất, trong 8 tháng qua, các doanh nghiệp của Việt Nam đã phải chi khoảng 85 triệu USD để nhập khẩu hạt tiêu, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong thời gian tới, lượng tiêu nhập khẩu dự báo tăng vì nguồn cung ở trong nước đang cạn.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất, trong 8 tháng qua, các doanh nghiệp Việt đã phải chi khoảng 85 triệu USD để nhập khẩu hạt tiêu, tăng mạnh 34,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng tiêu nhập khẩu cũng được dự báo tăng vì nguồn cung nội địa đang cạn.
Trong 8 tháng qua, lượng hạt tiêu xuất khẩu của nước ta đã vượt qua cả sản lượng 170.000 tấn của vụ thu hoạch năm 2024. Trong khi đó, lượng tiêu tồn kho từ năm 2023 chuyển sang năm nay chỉ còn khoảng 30%, tương đương với 50.000 – 55.000 tấn.
Hạt tiêu của Việt Nam hiện đang chiếm khoảng 60% sản lượng xuất khẩu của thế giới. Nước ta cũng đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này trong hơn 20 năm qua, chiếm tới 40% sản lượng thu hoạch và 60% thị phần xuất khẩu toàn cầu.
Hạt tiêu của nước ta hiện xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, những thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam, bao gồm: Trung Quốc, Mỹ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất…
Trong năm 2024, sản lượng tiêu của nước ta chỉ đạt khoảng 170.000 tấn. Đây là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Nguyên nhân phần lớn là do nhiều nông dân chặt bỏ cây tiêu để trồng những cây có giá trị kinh tế hơn.
Bài tham khảo nguồn: Customs, Mard, IPC
Bình luận tiêu biểu (0)