Hàng loạt tên lửa Armenia tới Ukraine
Trang tin Topcor và Info24 (Nga) ngày 5/9 đưa tin, Armenia đã bắt đầu cung cấp các loại vũ khí từ thời Liên Xô cho Ukraine, dường như đây là một đơn chuyển giao mới.
Ngày 28/8, Yerevan được cho là đã ký kết một thỏa thuận với Ủy ban châu Âu, trong đó, nước này sẽ cung cấp đạn dược cho các loại xe tăng và tên lửa cho các hệ thống phòng không từ thời Liên Xô tại Ukraine với tổng giá trị lên tới 210 triệu euro. Quá trình chuyển giao đang được tiến hành thông qua các cảng của Gruzia và châu Âu.
Đáng lưu ý, theo Topcor, thỏa thuận trên còn bao gồm thêm một phần, trong đó Armenia sẽ chuyển giao cho Ukraine các hệ thống phòng không và đạn pháo cỡ 152mm.
Trước đó, hôm 17/8, trang tin Avia.Pro (Nga) và tờ Day (Azerbaijan) đồng loạt dẫn thông tin từ một ấn phẩm chuyên ngành của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin về việc tại Ukraine đã ghi nhận "sự xuất hiện bất ngờ" của một lượng lớn tên lửa phòng không S-125 và tên lửa đạn đạo Tochka-U do Liên Xô chế tạo.
Theo ấn phẩm Thổ Nhĩ Kỳ, số tên lửa trên do Armenia chuyển giao cho Ukraine để đổi lấy cam kết bảo vệ từ Mỹ. Dữ liệu mà ấn phẩm này có được cho biết thêm rằng, một số tên lửa được phóng vào lãnh thổ Nga từ thời gian qua có nguồn gốc từ Armenia.
Nhận định về thông tin mới nhất liên quan tới việc Armenia chuyển giao vũ khí cho Ukraine trên tờ Info24, chuyên gia khoa học chính trị Alexander Perendzhiev tại Đại học kinh tế Plekhanov cho rằng, Armenia đã cung cấp tên lửa và đạn dược cho Kiev theo yêu cầu của Mỹ. Đổi lại, nước này nhận được lời cam kết rằng "sẽ sớm được cấp vũ khí theo chuẩn NATO".
"Yerevan đã nhận được yêu cầu từ Mỹ để bắt đầu cung cấp và bổ sung đạn dược cho Kiev, trong bối cảnh quân đội Ukraine đang thiếu hụt trầm trọng. Tôi nghĩ rằng Washington và Brussels đã rất vui mừng khi họ tách được một quốc gia khác ra khỏi Nga và thiết lập đường lối của họ theo hướng thù địch với Moscow" – Ông Plekhanov nói.
Vị chuyên gia lưu ý rằng, Nga sẽ "không để yên" cho những hành động thiếu thiện chí của Armenia. Tuy nhiên, Moscow sẽ chưa sử dụng tới phương thức quân sự mà thiên về hướng áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Yerevan.
"Một số biện pháp đang trong quá trình được thực thi. Ví dụ, các chuyên gia Nga gần đây kết luận rằng rượu cognac của Armenia không an toàn để tiêu thụ trên thị trường Nga. Trên cơ sở đó, tôi cho rằng, tất cả các hàng hóa quan trọng vận chuyển từ Armenia tới Nga sẽ sớm bị cấm. Ở giai đoạn đầu, phản ứng của chúng tôi đối với Yerevan sẽ chỉ tập trung vào lĩnh vực hợp tác kinh tế" – Ông Plekhanov cho hay.
Theo tờ Politico (Mỹ), vốn có mối quan hệ đồng minh truyền thống với Nga nhưng Armenia đang "nổi loạn" và hướng về phương Tây để tìm kiếm các mối quan hệ đối tác mới sau khi cáo buộc Moscow đã không làm gì để ngăn chặn cuộc tấn công chớp nhoáng của Azerbaijan vào Nagorno-Karabakh vào tháng 9/2023.
Hiện tại, mối quan hệ giữa Moscow và Yerevan đã rơi xuống mức "thấp nhất lịch sử". Ngày 16/8, Armenia tuyên bố sẽ biên tập lại sách giáo khoa lịch sử mới nhất dành cho lớp 8, trong đó có một chương sẽ đề cập rằng vào năm 1828, Đế chế Nga được cho là đã "sáp nhập" Đông Armenia. Đây là thông tin mà Moscow cáo buộc là "bóp méo lịch sử".
Tới cuộc họp báo ngày 31/8, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố Yerevan "đã đình chỉ việc tham gia Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO, do Nga dẫn đầu) ở mọi cấp độ".
Yerevan ra tuyên bố về lệnh bắt giữ của ICC đối với ông Putin
Tuy nhiên, trong một động thái bất ngờ, chỉ hai ngày sau khi có thông tin về việc Armenia chuyển giao vũ khí cho Ukraine (7/9), đẩy căng thẳng giữa hai phía lên một mức độ mới, Bộ Ngoại giao Armenia đã đưa ra một tuyên bố được các chính trị gia Nga đánh giá là "đúng đắn".
Theo đó, Yerevan thông báo, nước này đã quyết định "không ký" tuyên bố chung của Hội đồng châu Âu về các hành động quân sự ở Ukraine, trong đó có đề cập tới lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo hãng tin RBC (Nga), văn bản về tuyên bố chung của Hội đồng châu Âu được công bố ngày 5/9, danh sách các bên ký kết bao gồm 42 quốc gia: Gruzia, Canada, Bulgaria, Mỹ, Anh, Đức, Ba Lan và một số quốc gia khác, nhưng trong đó đích thực không có Armenia.
Giới phân tích nhận định, đây là bước đi lạ của Yerevan khi nước này vốn dĩ đã gia nhập ICC vào đầu năm nay và đang trong tình trạng căng thẳng cao với Moscow. Theo quy chế Rome, việc tham gia ICC đồng nghĩa với việc Yerevan có nghĩa vụ bắt giữ nhà lãnh đạo Nga nếu ông đặt chân lên lãnh thổ Armenia.
Tờ Lenta (Nga) cho biết, Yerevan "đã ký vào tuyên bố chung của Hội đồng châu Âu nhưng sau đó rút lại". Chữ ký của đại diện Armenia đã có trong bản dự thảo ban đầu của tuyên bố, nhưng lại "biến mất" trong bản công bố cuối cùng.
Trong khi đó, trả lời hãng thông tấn Armenpress, đại diện phát ngôn Bộ Ngoại giao Armenia Ani Badalyan khẳng định, Armenia đã "không tham gia tuyên bố chung này ngay từ đầu".
Hiện chưa rõ lý do cho quyết định này của Yerevan, song chủ tịch Ủy ban Hội đồng Liên bang Nga về các vấn đề quốc tế Grigory Karasin nhận định, việc Armenia từ chối ủng hộ lệnh bắt giữ của ICC đối với Tổng thống Putin là một bước đi "hữu ích".
"Cân nhắc tới việc ICC cách đây không lâu đã có lập trường chống Nga, và đặt Tổng thống của chúng tôi vào tình thế nguy hiểm thì quyết định đó của Yerevan sẽ được Moscow nhìn nhận một cách tích cực" – ông Karasin nói.
Theo ông Karasin, quyết định này của Armenia "sẽ mang lại lợi ích", đồng thời bày tỏ hy vọng "các nhóm cầm quyền sáng suốt của những quốc gia có trách nhiệm sẽ đưa ra quyết định tương tự như Armenia".
Trong khi đó, bình luận trên News.ru, Thượng nghị sĩ đến từ Crimea Sergey Tsekov nhận định, nếu Armenia ủng hộ tuyên bố chung của Hội đồng châu Âu thì điều đó đồng nghĩa với việc "cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Nga". Do đó, hành động của Yerevan lần này là "đúng đắn".
"Theo tôi, Thủ tướng Armenia Pashinyan hoặc ai đó trong nhóm của ông ta đã có đủ thông tin tình báo để đi đến kết luận rằng việc đó (tham gia tuyên bố chung của Hội đồng châu Âu) không nên được thực hiện trong bất cứ trường hợp nào" – Ông Tsekov nói.
Vị Thượng nghị sĩ đồng thời đánh giá việc nhiều quốc gia khăng khăng muốn làm theo quyết định của ICC là điều "đáng kinh ngạc", bởi vốn dĩ việc ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống của bất cứ quốc gia nào cũng được xem là một điều "hoàn toàn phi logic".
Theo hãng tin RT (Nga), ngoài Armenia còn có 6 quốc gia khác từ chối ký vào tuyên bố chung của Hội đồng châu Âu, bao gồm Azerbaijan, Bosnia & Herzegovina, Hungary, Serbia, Slovakia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Minh Nhật