Những ngày vừa qua, giới sân khấu và cả báo chí xôn xao về vở diễn “Ông già và biển cả” (đạo diễn: NSƯT Công Ninh, điều hành sản xuất: Quốc Thuận). Đây là vở diễn kết hợp công nghệ thực tế ảo lần đầu ra mắt tại Việt Nam, kịch bản được Việt hóa từ ê-kíp Hàn Quốc.
Điều gây chú ý nhất, Huỳnh Kiến An vốn là diễn viên điện ảnh, chưa từng diễn kịch dài nhưng lại đảm nhận vai diễn vô cùng nặng ký, với lời độc thoại gần như từ đầu đến cuối, 90 phút khi đã ở tuổi U70.
Vai diễn của anh nhận được vô số lời khen từ đồng nghiệp như Việt Hương, Cát Phượng… Nhân dịp này, nam nghệ sĩ đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện thú vị.
15 ngày học thoại, ngất xỉu trên sàn tập
- Ở tuổi U70, để thuộc thoại như thuộc lòng bảng cửu chương như vậy có phải là một thử thách lớn nhất với anh?
Khi Quốc Thuận gọi điện thoại mời, yêu cầu tôi dành trọn tháng 11 để thực hiện dự án. Tôi bị choáng ngợp vì không nghĩ là mình được chọn. Quốc Thuận hỏi cát-xê, tôi không quan tâm lương bao nhiêu. Tôi chỉ quan tâm, có chắc chắn là chọn tôi không, hay còn đang casting người này người kia.
Quốc Thuận bảo chắc chắn. Vai diễn này không thuần kịch mà còn có chất điện ảnh. Tôi thu xếp thời gian với vài dự án đã nhận và dành trọn thời gian cho vở diễn này.
Tôi dành nửa tháng để học thuộc thoại. Tôi có năng khiếu thuộc thoại rất giỏi. Tôi từng vào vai một luật sư, thoại vài trang giấy, trích điều luật này luật kia, phim thu tiếng trực tiếp, tôi vẫn làm ngon lành.
Nhưng vở này thì khác. Tôi độc thoại gần như từ đầu tới cuối. Tôi buộc mình phải thuộc làu như bảng cửu chương, không được phép sai. Quay phim sai có thể quay lại nhưng sân khấu thì không. Loại hình này đòi hỏi tôi phải diễn với màn hình led, người điều khiển ghe, âm nhạc, ánh sáng… Tôi sai một cái là các bộ phận khác loạn ngay.
Cho nên 15 ngày, tôi chỉ ở trong nhà, ôm kịch bản và học thoại. Sau đó gặp đạo diễn, diễn viên và ráp thoại trong 1 tuần, vẫn chưa biết sân khấu là gì. Tôi chỉ có 1 ngày rưỡi để thực tế diễn trên sân khấu cho đến ngày phúc khảo.
Tôi ăn ngủ cùng kịch bản, không lên mạng xã hội, không xem đá banh vì tôi rất xem trọng vai diễn này, cơ hội này. Tôi quá thích nó. Bất cứ nghệ sĩ nào cũng mơ ước có được diễn một vai như vậy, với đầy đủ hỉ nộ ái ố, bộc lộ rõ khả năng biểu diễn của người nghệ sĩ.
Tôi áp lực, căng thẳng vì không chỉ thuộc thoại, diễn tâm lý mà còn hành động trong một không gian nhỏ là chiếc ghe (thuyền). Vai diễn này thật sự vắt kiệt sức tôi. Tôi bị ngất xỉu ngay trước ngày phúc khảo. Đang tập, tôi lả đi tầm 1 tiếng.
Quay điện ảnh, dù căng thẳng thế nào cũng chỉ 2-3 phút là xong, còn vai này kéo dài 90 phút mà không được phép sai. Nó là vừa trí vừa lực.
Tôi là người đầu tiên ở Việt Nam có vinh dự được diễn vai này nên không thể để thất bại. Đây là cơ hội mà nhiều người mơ ước. Nó đến với mình thì tôi phải trân trọng và làm hết trí lực, kinh nghiệm mấy chục năm làm nghề đều dồn vào vai diễn này hết.
Tôi nhập tâm tới mức, ngủ là mơ mình bơi ngoài biển. Và mấy ngày qua, tôi gần như chỉ ngủ để tái tạo năng lượng. Tôi rất hạnh phúc khi được tham gia vở diễn này. Đó là trải nghiệm tuyệt vời nhất trong sự nghiệp của tôi.
"Cát-xê 1 suất 20 triệu thì tôi diễn"
- Là một diễn viên điện ảnh, đùng một cái rẽ sang sân khấu với một vai nặng ký như vậy, lại là một vai diễn mà bất cứ nghệ sĩ nào cũng mơ ước, anh có sợ bị ganh ghét?
Tôi có hỏi nhà sản xuất và đạo diễn, tại sao chọn tôi. Mọi người bảo, vì tôi hợp vai. Có thể sẽ có nhiều người đặt câu hỏi, tại sao lại là tôi? Tôi không phải người của giới sân khấu trong khi có rất nhiều cây đa cây đề và họ rất giỏi nghề.
Nhưng tôi không bị áp lực. Về chuyên môn, tôi tự tin mình có thể làm được. Tôi chỉ không tự tin về sức khỏe dù tôi đã tập luyện, bồi bổ để tăng cường sức khỏe. Khi tôi tập, diễn viên Hàn Quốc của phim “Hạ cánh nơi anh” cũng ngồi xem và thể hiện sự ngưỡng mộ.
Có một người chưa bao giờ khen đó là thầy tôi – đạo diễn Minh Chung. Anh Chung là người đưa tôi vào nghề này, chỉ dẫn tôi rất nhiều nhưng chưa bao giờ khen. Lần này xem xong, anh ấy nhắn “rất tuyệt vời”. Tin nhắn của anh ấy làm tôi xúc động.
- Anh có định dấn thân vào lĩnh vực sân khấu kịch sau vai diễn này?
Không. Ngay cả Công Ninh xuất thân từ sân khấu kịch còn phải bỏ vì phải lo cơm áo gạo tiền, nuôi vợ con. Tôi may mắn được trải nghiệm như vậy là đủ rồi.
- Anh dốc cả trí lực vào vai diễn tới mức ngất xỉu nhưng lại chỉ diễn 2 suất rồi ngưng. Theo chia sẻ từ nhà sản xuất, nếu đưa ra diễn bán vé phục vụ khán giả thì giá vé ít nhất là 3 triệu mới bù chi. Anh có thấy uổng không?
Tôi nghĩ cái gì cũng có thị phần của nó. Với những thứ thuộc kinh điển, học thuật, dù bán vé thật đắt vẫn có người đi coi. Loại hình mới, tác phẩm lừng danh, nhân vật huyền thoại, đó giờ chưa sân khấu nào dựng.
Vở này bán vé, làm thêm màn hình led dưới sàn sân khấu thì hiệu quả tương tác quá tuyệt vời. Cát-xê 20 triệu 1 suất thì tôi diễn, rẻ hơn ca sĩ rất nhiều. Ca sĩ hát vài bài cát-xê cả trăm triệu, mấy trăm triệu trong khi diễn viên vắt kiệt sức như thế thì 20 triệu có là gì.
Cát-xê xứng đáng thì diễn viên sẵn sàng vắt kiệt sức, hy sinh, cống hiến, sáng tạo. 1 suất 20 triệu là tôi sẵn sàng chơi khô máu. Diễn 1 suất 1 triệu, 2 triệu thật sự là không đủ tiền mua thuốc.
Cát-xê ca sĩ hát mấy bài như vậy bao nhiêu năm rồi, tại sao kịch không làm được như vậy? Vì sân khấu không có gì mới. Nếu mình làm mới, xứng đáng, khán giả sẽ đi coi. Nhân dân rất nhiều tiền, vấn đề là anh phải tìm được lý do để họ cho tiền anh. Ca sĩ tìm được lý do còn kịch sĩ thì chưa.
- Cảm ơn anh chia sẻ!
Cao Thanh Hương