Các chuyên gia phương Tây cho rằng, hệ thống THAAD là khả năng duy nhất mà người Mỹ sở hữu có thể ngăn chặn một cuộc tấn công bằng vũ khí siêu thanh. Lầu Năm Góc phải tìm cách mở rộng quy mô sản xuất các hệ thống này và triển khai chúng để phòng thủ tốt hơn trước mối đe dọa vũ khí siêu thanh ngày càng gia tăng của Nga.
Mối đe dọa vũ khí siêu thanh của Nga là một thách thức thực sự đối với Mỹ và các đồng minh NATO của nước này. Hiện tại không có hệ thống phòng thủ đáng tin cậy nào có thể ngăn chặn một tên lửa siêu thanh đang lao tới. Tuy nhiên, các chuyên gia phương Tây vẫn có niềm tin rằng, có một hệ thống có thể có cơ hội, mặc dù chỉ là một cơ hội nhỏ để ngăn chặn vũ khí siêu thanh của Nga.
Đó là hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Tất nhiên, Mỹ và các đồng minh chỉ có một số ít các hệ thống quan trọng này, vì vậy sẽ có rất ít khả năng THAAD được triển khai thử nghiệm tại Ukraine, để đối đầu với tên lửa siêu thanh của Nga
Nếu một hệ thống THAAD bị phá huỷ trong chiến đấu, thì sẽ là một vấn đề lớn đối với Mỹ và NATO, bởi hệ thống tên lửa này hiện có số lượng rất hạn chế. Vì vậy, Mỹ đang ở trong tình thế khó khăn. Mặt khác, hệ thống THAAD cũng không thể đảm bảo ngăn chặn được những vũ khí siêu thanh mới, cao cấp hơn của Nga.
Hệ thống THAAD
Theo Teal Group, THAAD là hệ thống di động được thiết kế để phòng thủ chống lại các tên lửa như Oreshnik (tên lửa siêu thanh) của Nga. Ban đầu được thiết kế vào những năm 1980, để ngăn chặn các loạt tên lửa của Liên Xô ở tầng khí quyển trên, đây được coi là giải pháp an toàn cho Mỹ và NATO.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất của THAAD là hệ thống radar đi kèm với hệ thống tên lửa. THAAD chỉ là một phần của Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Đạn đạo (BMDS) lớn hơn, ra đời từ cam kết của chính quyền Tổng thống Reagan trong việc tạo ra một lá chắn phòng thủ tên lửa quốc gia. THAAD sẽ được sử dụng kết hợp với các hệ thống phòng thủ tầm ngắn hơn, chẳng hạn như hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot.
Mỗi khẩu đội THAAD bao gồm sáu bệ phóng gắn trên xe tải, mỗi bệ có tám tên lửa đánh chặn, một hệ thống radar tiên tiến, thiết bị kiểm soát hỏa lực và thông tin liên lạc. Hệ thống này cần ít nhất 95 binh sĩ để vận hành. THAAD có thể đánh chặn tên lửa cách xa 200km và không chỉ ở tầng khí quyển trên, mà còn có thể đánh chặn cả bên ngoài khí quyển.
Mỹ chỉ có bảy hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trong tay, hệ thống thứ tám dự kiến sẽ được triển khai vào năm 2025. Hiện tại, có hai hệ thống được triển khai thường trực ở Guam và Hàn Quốc.
Hệ thống thứ ba được triển khai đến Trung Đông vào năm 2023. Sau cuộc tấn công tên lửa của Hamas vào ngày 7/10, Mỹ đã gửi thêm một hệ thống THAAD khác đến Israel. Hệ thống này rất cần thiết để giúp bảo vệ Israel khỏi các tên lửa của Iran.
Không bao giờ có THAAD cho Ukraine
Ukraine đã yêu cầu Mỹ chuyển giao hệ thống tiên tiến này. Tất nhiên, người Mỹ lo sợ rằng THAAD sẽ bị mất trong trận chiến, hoặc THAAD có thể bị "rò rỉ" sang Nga hoặc một thế lực nước ngoài khác, điều này cho phép các đối thủ của Mỹ nhanh chóng bắt kịp Mỹ về công nghệ phòng thủ tên lửa.
Dù sao đi nữa, ngay cả khi THAAD được triển khai, thì việc ngăn chặn tên lửa siêu thanh vẫn là một nhiệm vụ khó khăn. Một điều mà hệ thống THAAD có thể làm là phát hiện và theo dõi các cuộc tấn công tên lửa tốt hơn hầu hết các hệ thống khác. Tuy nhiên, việc đánh chặn vũ khí siêu thanh của Nga đang bay tới sẽ rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn tin rằng hệ thống THAAD là khả năng duy nhất mà người Mỹ sở hữu có thể ngăn chặn một cuộc tấn công bằng vũ khí siêu thanh. Lầu Năm Góc phải tìm cách mở rộng quy mô sản xuất các hệ thống này và triển khai chúng để phòng thủ tốt hơn trước mối đe dọa vũ khí siêu thanh ngày càng gia tăng của Nga. Quan trọng hơn, Lầu Năm Góc phải dành nhiều thời gian và nguồn lực để phát triển các biện pháp phòng thủ thực sự chống lại vũ khí siêu thanh.
Quang Hưng