Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi 11 tuổi bị bỏng nặng toàn thân.
Theo chia sẻ từ gia đình, cách đây 7 tháng, trong một lần đi câu cá với bạn, bệnh nhi không may mắc cần câu vào dây điện cao thế. Một tiếng nổ vang trời, hất văng con xuống đất, toàn thân cháy bỏng. Bỏ giúp việc cho quán ăn, người bố bán hết tài sản, chạy vạy lo chữa trị cho con.
Từ bệnh viện huyện xuống tuyến trung ương ròng rã suốt 2 tháng trời, người bố chưa rời con ngày nào. Bao lần nhìn con đau đớn thay băng, nước mắt người bố trực trào rưng rưng lại cố nín vào trong, giữ tinh thần, còn chấn an, động viên con. Rồi cũng chẳng còn tiền để nằm mãi viện, sau 2 lần ghép da, bố con xin đưa nhau về quê, hàng ngày nhờ bác sĩ gần nhà thay rửa vết thương cho con.
Cứu sống được con, nhưng con không thể đứng thẳng, không thể giơ cánh tay, không thể duỗi thẳng được cẳng tay do sẹo co dính thành ngực, nách và khuỷu phải. Đau, ngứa, rát, tê bì luôn làm con phải bấm môi chịu đựng, đặc biệt mỗi khi đứng lâu. Tuy thế, con không hề kêu than. Thương con, nhưng có phần bất lực vì hoàn cảnh bởi để giải quyết tình trạng này, con cần phải trải qua nhiều lần phẫu thuật nữa và cần một số tiền lớn.
Là một cậu bé hiếu học, năng động, luôn đạt điểm tốt các môn và nhiều giải thưởng thể thao, sau biến cố cuộc đời, nằm viện con luôn lo lắng việc trở lại trường. Khi điều trị bỏng, vết thương ổn định, bố chia sẻ, việc đầu tiên con đề nghị là được đi học lại để kịp theo chương trình với các bạn.
Đi học trở lại, các hoạt động khá hạn chế, khó khăn nhất là viết, nhưng con luôn cố gắng chép bài đầy đủ. Có những lúc ghì bút làm bài mà ngón tay con đỏ tấy, mỏi rã rời. Bạn bè thầy cô luôn thông cảm, động viên, nên con càng nỗ lực.
Nhờ nhà hảo tâm, bước đầu con được đưa xuống Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai để thăm khám và lên phác đồ điều trị.
Theo PGS.TS. Phạm Thị Việt Dung, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai, ca bệnh của con khá phức tạp, sẹo dính, co kéo phải tiến hành phẫu thuật nhiều lần. Bên cạnh đó, chất liệu (da tự thân) để tiến hành xử trí của con hạn chế, cần có thời gian đặt túi giãn da, tạo nhiều da chất lượng để cấy ghép.
Thời gian điều trị dài, ra vào viện liên tục, không làm con thôi học. Con luôn cố gắng bắt nhịp với các bạn trên lớp, vẫn canh cánh lo lịch điều trị, thăm khám trùng lịch thi. Trước ngày lên bàn phẫu thuật cánh tay, con hồ hởi khoe vừa được điểm 9, 10 thi giữa học kỳ.
Trong lần mổ đầu tiên này, PGS.TS Dung cho biết, ưu tiên xử lý sẹo co kéo khuỷu tay phải để con thuận tiện hơn trong cử động, sinh hoạt, học tập. Lần mổ này cũng chủ yếu tận dụng tối đa những chỗ có thể lấy da để tạo hình. Tuy chưa thể duỗi thẳng được cánh tay, nhưng với việc cải thiện độ mở từ góc co 85 độ thành khoảng 135 độ, con có thể dễ dàng, linh hoạt cử động tay hơn.
Dù hành trình phía trước con sẽ còn phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để cơ thể hoàn thiện hơn, nhưng cánh cửa tương lai sáng tươi đã và đang rộng mở.