Iran đã chính thức bác bỏ những tuyên bố gần đây của giới truyền thông, về việc sắp nhận máy bay chiến đấu Su-35 từ Nga. Cổng thông tin Fararu đưa tin rằng, những tin đồn về việc máy bay chiến đấu tiên tiến này sẽ sớm ra mắt tại Iran là không có cơ sở thực tế.
Thông tin này xuất hiện lần đầu từ hãng thông tấn SNN, có mối liên hệ với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), nhưng sau đó đã bị rút lại. Trong một tuyên bố trên Telegram, SNN cho biết, Bộ Quốc phòng Iran đã xác nhận rằng, mặc dù đã nhận được trực thăng tấn công Mi-28N và máy bay huấn luyện Yak-130 từ Nga vào năm ngoái, nhưng máy bay phản lực Su-35 vẫn chưa được chuyển giao.
Trong nhiều năm, Iran đã tìm cách hiện đại hóa lực lượng không quân bằng cách mua máy bay chiến đấu hiện đại từ các đối tác nước ngoài. Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã hạn chế Iran tiếp cận vũ khí và công nghệ tiên tiến của các quốc gia khác, khiến Tehran phải chuyển sang Nga và Trung Quốc làm nguồn cung cấp thiết bị quân sự chính.
Thỏa thuận Su-35 với Nga
Các cuộc thảo luận với Moskva về việc mua máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo đã bắt đầu nghiêm túc vào năm 2015, sau khi ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran. Ban đầu, Iran bày tỏ sự quan tâm đến máy bay chiến đấu đa năng Su-30, nhưng hạn chế về ngân sách và việc thay đổi chiến lược mới, đã buộc nước này chuyển trọng tâm sang mẫu Su-35 tiên tiến hơn và tinh vi hơn về mặt công nghệ.
Tuy nhiên, một thỏa thuận cụ thể chỉ được thực hiện vào năm 2021, Iran và Nga đã ký một biên bản ghi nhớ hỗ trợ lẫn nhau và hỗ trợ kỹ thuật, bao gồm các kế hoạch mua máy bay chiến đấu Su-35. Sau nhiều tháng đàm phán và thảo luận kỹ thuật, thỏa thuận mua máy bay chiến đấu đã được hoàn tất vào năm 2022, với ước tính thỏa thuận liên quan đến khoảng 20 máy bay.
Vào năm 2023, các phương tiện truyền thông Iran thường xuyên đưa tin về sự xuất hiện "sắp tới" của máy bay phản lực Su-35, một số cơ quan truyền thông liên quan đến quân sự thậm chí còn tuyên bố các máy bay chiến đấu này sẽ được giao "trong những ngày tới". Tuy nhiên, vào ngày 5/4/2023, Bộ Quốc phòng Iran đã ra tuyên bố kiên quyết phủ nhận những thông tin trên.
Một số nguồn tin của Iran, bao gồm trang tin tức Fararu và hãng thông tấn SNN cũng bác bỏ thông tin trên. Tuy nhiên, một số người lạc quan cho rằng, sự chậm trễ trong việc bàn giao liên quan đến những thách thức về hậu cần và kiểm tra kỹ thuật ở Nga.
Một số nguồn tin cho rằng sự chậm trễ cũng có thể là do kế hoạch cẩn thận liên quan đến việc đào tạo phi công Iran, những người cần làm quen với công nghệ phức tạp của máy bay chiến đấu mới.
Các quan chức quân sự Iran khi đó nhấn mạnh rằng, máy bay mới của Nga sẽ tăng cường đáng kể năng lực không quân của nước này. Trong khi thông tin về tiến độ chính xác của thỏa thuận vẫn còn hạn chế, các chuyên gia dự đoán rằng việc chuyển giao Su-35 có thể diễn ra vào năm 2025, phù hợp với kế hoạch của Iran cho một giai đoạn mới trong việc hiện đại hóa hệ thống phòng thủ của mình.
Chiến đấu cơ Su-35
Su-35 là máy bay đa chức năng, hai chỗ ngồi, có khả năng cơ động và hỏa lực mạnh mẽ. Được thiết kế và sản xuất bởi công ty Sukhoi của Nga, Su-35 có hai động cơ, mỗi động cơ tạo ra lực đẩy khoảng 14.500 kg.
Với tầm bay tối đa 3.600 km, giúp máy bay phù hợp cho các nhiệm vụ tầm xa. Su-35 có thể đạt tốc độ khoảng 2.400km/giờ và có trần bay khoảng 18 km. Su-35 có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm chiến đấu không đối không, tấn công mặt đất và trinh sát.
Hệ thống điện tử hàng không của máy bay cực kỳ tinh vi, tích hợp nhiều hệ thống quản lý, kết nối và giám sát. Hệ thống điều khiển bay tự động cho phép phi công tập trung vào các nhiệm vụ chiến lược quan trọng hơn.
Su-35 được trang bị radar mảng quét điện tử chủ động (AESA), có độ chính xác cao và khả năng chống nhiễu. Radar có thể phát hiện và theo dõi đồng thời tới 30 mục tiêu trên không từ khoảng cách lên tới 400 km, mang lại lợi thế đáng kể trong không chiến.
Về mặt vũ khí, Su-35 rất đa năng và có thể mang theo nhiều loại đạn để thực hiện các nhiệm vụ chiến thuật khác nhau. Nó có thể mang theo tới 8 tấn vũ khí, bao gồm tên lửa không đối không, tên lửa không đối đất và bom.
Các tên lửa không đối không đáng chú ý bao gồm R-77 và R-73, cung cấp tầm bắn và sức mạnh đáng kể trong các cuộc giao tranh trên không. Ngoài ra, Su-35 có thể mang tên lửa hành trình mở rộng khả năng tấn công các mục tiêu trên mặt đất.
Hệ thống tự vệ của máy bay bao gồm nhiều thành phần được thiết kế để tăng khả năng sống sót trong vùng chiến sự. Máy bay được trang bị cả biện pháp đối phó điện tử chủ động và thụ động, cho phép phát hiện và vô hiệu hóa các mối đe dọa từ hệ thống radar của đối phương.
Hơn nữa, Su-35 có hệ thống quản lý chiến đấu tích hợp, hợp nhất dữ liệu từ nhiều nguồn, cung cấp cho phi công nhận thức tình huống chiến trường theo thời gian thực. Những đặc điểm này khiến Su-35 trở thành một trong những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất thế giới, có khả năng giải quyết nhiều thách thức chiến thuật khác nhau.
Quang Hưng