Đảm bảo bằng văn bản của Iran
Wall Street Journal (WSJ) dẫn nguồn quan chức Mỹ cho biết, Iran đã đưa ra những đảm bảo bằng văn bản cho chính quyền ông Biden, khẳng định họ sẽ không tìm cách sát hại ông Donald Trump. Đây là trao đổi bí mật nhằm xoa dịu căng thẳng giữa Tehran và Washington trong bối cảnh ông Trump chuẩn bị quay trở lại Tòa Bạch ốc.
Được Iran gửi đi hôm 14/10 và chưa từng được tiết lộ trước đây, thông điệp này là phản ứng của Tehran sau cảnh báo mà Mỹ đã gửi cho Iran hồi tháng 9. Các quan chức Mỹ tiết lộ, cảnh báo của Washington phản ánh thông điệp công khai của chính quyền Mỹ, rằng họ coi mối đe dọa nhằm vào ông Trump là vấn đề an ninh quốc gia hàng đầu và mọi nỗ lực ám sát ông sẽ được coi là một hành động chiến tranh.
Câu trả lời bằng văn bản của Iran không có sự xác nhận bằng chữ ký của 1 quan chức cụ thể nào nhưng thông điệp này lặp lại cáo buộc của Tehran rằng ông Trump đã phạm tội khi ra lệnh sát hại ông Soleimani.
Bộ Tư pháp Mỹ tuần trước cáo buộc các đặc vụ Iran đã lên kế hoạch ám sát ông Trump trước khi ông tái đắc cử tổng thống. Hồi tháng 8, các công tố viên Mỹ đã buộc tội 1 người đàn ông Pakistan (có mối liên kết với Iran) âm mưu sát hại ông Trump, khiến các quan chức phải tăng cường an ninh cho ứng viên đảng cộng hòa trong giai đoạn vận động tranh cử.
Trước đó, Iran đã cam kết sẽ trả đũa ông Trump vì ông ra lệnh tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay không người lái hồi tháng 1/2020, khiến lãnh đạo lực lượng Quds Qassem Soleimani thiệt mạng. Các quan chức Mỹ còn cáo buộc Iran tìm cách làm tổn hại tới các quan chức khác trong chính quyền Trump liên quan đến vụ Soleimani và chính sách gây áp lực tối đa lên Iran.
Các quan chức liên quan đến chính sách Iran trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump gồm Ngoại trưởng Mike Pompeo, đặc phái viên Iran Brian Hook và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton vẫn được cơ quan mật vụ Mỹ bảo vệ sau khi rời nhiệm sở. Mỹ nhận định rằng, họ vẫn chịu những mối đe dọa đến tính mạng từ Tehran.
Về phần mình, Iran đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc ám sát cựu tổng thống Mỹ. Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi gọi các cáo buộc là một "vở hài kịch hạng ba".
Các quan chức Mỹ tự tin rằng thông điệp của Washington đã đến được với lãnh đạo Iran. Hiện chưa rõ câu trả lời của Iran có được chuyển đến tổng thống đắc cử hay không.
Phái đoàn của Iran tại Liên Hợp Quốc ở New York nói rằng họ sẽ không bình luận chi tiết về các thông điệp chính thức trao đổi với Mỹ. Tuy nhiên, phái đoàn nhấn mạnh rằng, lâu nay Tehran vẫn tìm kiếm công lý cho cái chết của ông Soleimani thông qua các kênh pháp lý và tư pháp.
Tín hiệu từ Iran và chính sách áp lực tối đa của ông Trump
Thông điệp ngày 14/10 của Iran xuất hiện vào thời điểm quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Trong những ngày cuối của chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nhiều lần đề cập đến cách tiếp cận dự kiến đối với Iran trong nhiệm kỳ thứ hai - gửi một thông điệp hòa giải. Ông nói rằng Iran không được phát triển vũ khí hạt nhân nhưng ông không theo đuổi việc thay đổi chế độ tại Tehran hay xung đột với Iran.
WSJ dẫn nguồn tin thân cận với các quan chức Iran cho biết, Tehran đang tìm cách tránh xa sự đối đầu với chính quyền Trump. Một số quan chức của ông Trump hứa sẽ quay trở lại với chính sách áp lực tối đa của nhiệm kỳ đầu tiên, cách tiếp cận đã gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc cho Iran.
"Iran không thể vừa tìm cách tiếp cận, lại vừa lên kế hoạch loại bỏ đối tác đàm phán tương lai của mình. Việc đó giống như vươn một tay để thỏa thuận, còn tay kia cầm sẵn dao", Ali Vaez - cố vấn cấp cao của tổ chức giải quyết khủng hoảng Crisis Group nhận định.
Hiện tại, Iran đang tiến hành các bước đi nhằm phát tín hiệu tiếp cận tiềm năng tới phương Tây, mục tiêu trọng tâm của Tổng thống Masoud Pezeshkian nhằm cải thiện nền kinh tế đất nước thông qua nỗ lực dỡ bỏ trừng phạt.
Trong tuần qua, Iran cũng đã chủ trì chuyến thăm của người đứng đầu Cơ quan Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi, mà hai phía khẳng định là nhằm thúc đẩy hợp tác với đơn vị chịu trách nhiệm giám sát hoạt động hạt nhân của Tehran.
Các quan chức phương Tây ngày càng quan ngại khả năng Iran quyết định tiến tới chế tạo vũ khí hạt nhân, một vấn đề có thể nằm trong số những thách thức hàng đầu mà chính quyền mới của ông Trump phải đối mặt.
Theo WSJ, kể từ khi ông Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, chương trình hạt nhân của Iran đã tiến triển nhanh chóng, cho phép họ có đủ vật liệu hạt nhân để chế tạo khoảng 4 quả bom nguyên tử. Các quan chức Mỹ cho rằng Iran có thể chỉ mất vài tháng để sở hữu vũ khí hạt nhân.
Sau cuộc gặp với ông Grossi tại Tehran, ông Pezeshkian khẳng định: Iran sẵn sàng làm việc với IAEA để xóa bỏ mọi nghi ngờ về hoạt động hạt nhân của mình.
Iran được truyền thông Mỹ đánh giá là đã suy yếu sau các cuộc tấn công gần đây của Israel. Tuy nhiên, phương Tây cho rằng Tehran vẫn sở hữu một mạng lưới đặc vụ rộng lớn khắp thế giới.
Đánh giá về tình hình hiện tại, ông Richard Nephew, một thành viên cấp cao từng làm việc trong đội ngũ của chính quyền Biden cho rằng, cam kết của Tehran hôm 14/10 sẽ không thay đổi độ khó của việc khôi phục đàm phán giữa chính quyền Trump và Iran.
Loại bỏ vấn đề ám sát có thể trợ lực cho quan hệ ngoại giao giữa Washington và Tehran, "nhưng không nên đánh lừa bản thân về mức độ khó khăn để đạt được một thỏa thuận, thậm chí chỉ về vấn đề hạt nhân", xét trong bối cảnh lịch sử của thỏa thuận và tiến độ chương trình hạt nhân của Iran ở thời điểm hiện tại - ông Nephew nhấn mạnh.
Thi Anh