Cảnh cáo nóng Nga,
Iran "hành động bất thường"
Theo tờ Guardian (Anh), trong 2 tuần qua, chính phủ Iran đã phát cảnh báo nóng tới Nga sau khi Moscow có động thái gây tranh cãi trong vấn đề tranh chấp biên giới giữa Iran – Azerbaijan. Các kênh truyền thông đồng loạt sử dụng các cụm từ "Nga-Iran mâu thuẫn", hoặc "Nga-Iran căng thẳng" để mô tả tình hình sự việc.
Website tin tức chính phủ Iran (Dolat.ir) cho biết, vào ngày 3/9, Bộ Ngoại giao Iran đã triệu Đại sứ Nga Alexei Dedov để bày tỏ mối quan ngại sâu sắc của Tehran về việc Moscow ủng hộ dự án hành lang Zangezur – một tuyến đường được đề xuất để kết nối Azerbaijan với vùng tự trị Nakhchivan (thuộc Azerbaijan) thông qua Armenia.
Trước đó, mặc dù nhận được sự ủng hộ từ phía Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ nhưng dự án Zangezur đã bị Armenia bác bỏ do lo ngại nó có thể dẫn tới những thay đổi đối với tình hình biên giới khu vực. Iran cũng chung mối quan ngại này khi đánh giá hành lang Zangezur là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia và ảnh hưởng của Tehran trong khu vực.
Tới ngày 6/9, Ngoại trưởng Iran Sayeed Abbas Araghchi đã lên tiếng chỉ trích Nga đứng về phía Azerbaijan trong dự án Zangezur.
"Hòa bình, an ninh và ổn định khu vực không chỉ là mong muốn, mà còn là trụ cột để đảm bảo an ninh quốc gia Iran. Bất cứ mối đe dọa nào từ phía Bắc, Nam, Đông hay Tây đối với toàn vẹn lãnh thổ của các nước láng giềng hoặc việc vẽ lại ranh giới đều hoàn toàn không thể chấp nhận được và là lằn ranh đỏ đối với Iran" – Ông Araghchi nêu quan điểm qua bài đăng trên mạng xã hội X.
Theo Guardian, động thái của ông Araghchi là một "bước đi bất thường" trong bối cảnh Nga và Iran sắp ký thỏa thuận chiến lược mới.
Đáng lưu ý, đây cũng là thời điểm truyền thông phương Tây đưa tin, con tàu chở 200 tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fath-360 mà Iran cung cấp cho Nga cập cảng Caspi (4/9). Moscow được cho là sẽ sử dụng số tên lửa này để tăng cường khả năng tấn công các thị trấn và thành phố của Ukraine từ khoảng cách xa hơn.
Cùng quan điểm với Ngoại trưởng Araghchi, ông Ahmad Naderi – một nhân vật đi theo đường lối cứng rắn trong Quốc hội Iran tuyên bố: "Việc Tehran thiếu phản ứng thích hợp đối với Nga trong các trường hợp trước đây - khi họ có hành động chống lại lợi ích quốc gia của Iran - đã khiến Moscow trở nên kiêu ngạo gấp đôi. Người Nga cần phải hiểu rằng, hợp tác chiến lược không có nghĩa là từ bỏ lợi ích".
Tổ chức tư vấn Jamestown Foundation (Mỹ) nhận định, phản ứng của Iran "gây bất ngờ" bởi đây là lần đầu tiên Tehran chỉ trích Nga một cách thẳng thừng. Chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin tới Baku (18-19/8) và sự ủng hộ của nhà lãnh đạo Nga đối với hành lang Zangezur đã làm xấu đi rõ rệt mối quan hệ giữa hai đồng minh.
Cùng ngày, các quan chức cấp cao Armenia đã gửi lời cảm ơn Iran vì đã tái khẳng định sự phản đối mạnh mẽ đối với hành lang Zangezur.
Ngày 13/9, Ngoại trưởng Iran Majid Takht Ravanchi thông báo ông đã nhận được cuộc gọi từ phía Thứ trưởng Ngoại giao Armenia VahanKostanyan, đồng thời chấp nhận lời mới tới thăm Yerevan.
"Chúng tôi đã cùng bày tỏ lập trường về tính bất khả xâm phạm của biên giới quốc tế. Và tôi đã chấp nhận lời mới tới thăm Yerevan" – Ông Ravanchi cho biết qua bài đăng trên X.
Quân Nga ở biên giới
Armenia - Iran "vào tầm ngắm"
Theo tờ Iranwire, trước khi Liên Xô sụp đổ, hành lang Zangezur được công nhận là một phần của Azerbaijan nhưng về sau, do những biến động trong thế kỷ XX, khu vực này do Armenia kiểm soát.
Sau cuộc chiến kéo dài 44 ngày vào mùa thu 2020, Yerevan và Baku đã đạt một thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian, bao gồm 9 điều khoản. Theo thỏa thuận, Azerbaijan đồng ý mở hành lang Lachin để kết nối Armenia với Khankendi (thành phố thuộc vùng tranh chấp Nagorno - Karabakh). Đổi lại, hành lang Zangezur sẽ được khôi phục để kết nối Nakhchivan với Azerbaijan.
Đáng lưu ý, có một điều khoản quan trọng trong thỏa thuận này là việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Nga và các quan sát viên của Thổ Nhĩ Kỳ tới hai hành lang, nhằm bảo đảm an ninh và ổn định trên các tuyến đường nhạy cảm.
Theo Iranwire, nếu Zangezur được khôi phục và quyền kiểm soát hành lang này rơi vào tay lực lượng an ninh Liên bang Nga (FSB), nó có thể trở thành công cụ mạnh mẽ để Moscow chống lại Armenia.
Ngoài ra, tầm quan trọng về kinh tế của Zangezur sẽ cho phép Nga tăng cường hiện diện thương mại và đạt được lợi ích về vật chất.
Trong khi đó, Iran lo ngại việc mở lại hành lang Zangezur có thể tăng cường các liên kết trực tiếp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan, làm giảm vai trò của Iran như một tuyến trung chuyển quan trọng, đồng thời khiến nước này mất quyền tiếp cận trực tiếp với Armenia.
Trước mối đe dọa đó, ngày 9/9, theo tờ Radar Armenia, chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan đã đề cập tới lực lượng biên phòng Nga đang triển khai tại biên giới Armenia với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
"Lực lượng biên phòng Nga đang đứng trên biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Tôi nghĩ chúng ta cần suy nghĩ về vấn đề này" – Ông Simonyan nói.
Phát ngôn của ông Simonyan được cho là "bóng gió" về khả năng Armenia liên kết với Tehran trục xuất lực lượng Nga ra khỏi biên giới giữa Armenia - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran.
Theo Jamestown, Tehran rất lo ngại về việc Nga tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực này. Trong khi đó, đây không phải là lần đầu tiên Yerevan thể hiện ý muốn trục xuất lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ Armenia sau khi căng thẳng giữa 2 nước dâng cao.
Tháng 3 năm nay, Armenia đã gửi thư yêu cầu Nga rút lực lượng khỏi sân bay Zvartnots. Tới tháng 5, Nga tuyên bố sẽ rút lực lượng tại Armenia, chỉ duy trì lính biên phòng gần biên giới giữa nước này với Iran - Thổ Nhĩ Kỳ.
Moscow phản ứng
Phản ứng về phát ngôn của ông Simonyan, đại diện Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 11/9 cho biết, tình hình trong khu vực vẫn chưa được bình thường hóa hoàn toàn và việc rút lính biên phòng Nga khỏi biên giới với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ là "không phù hợp", xét theo tình hình an ninh của Armenia.
"Theo văn bản quy định sự hiện diện của lính biên phòng Nga tại Armenia năm 1992, đây là thỏa thuận không có thời hạn.
Lực lượng biên phòng Nga cũng đã nhiều lần chứng minh được sự hiện diện của họ cần thiết tới mức nào. Nhưng có vẻ như điều này đang làm một số chính trị gia ở Yerevan khó chịu.
Theo chúng tôi, khi xét đến tính cấp thiết của việc lính biên phòng Nga tiếp tục ở lại biên giới Armenia, chúng ta nên cân nhắc đến tình hình chung, việc phơi bày biên giới sẽ ảnh hưởng như thế nào đến an ninh của đất nước trong bối cảnh tình hình khu vực vẫn chưa bình thường hóa hoàn toàn" - Bà Zakharova nói.
Trước đó, theo thỏa thuận giữa Armenia và Nga từ năm 1992, quân nhân của Cục Biên phòng Nga sẽ bảo vệ biên giới nhà nước của Armenia với Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như với Iran.
Đối với Iran, bà Zakharova cho biết, trong các cuộc tiếp xúc với các quan chức Tehran, Nga đã giải thích rõ lập trường của mình về cái gọi là hành lang Zangezur.
"Chúng tôi đang liên lạc với các đối tác của mình và đây là cuộc liên lạc thường xuyên. Chúng tôi cũng đã cung cấp mọi giải thích cần thiết về vấn đề này" - Bà nói.
Bên cạnh đó, bà Zakharova cáo buộc một chiến dịch thông tin đang được tiến hành nhằm chống lại Moscow.
"Rõ ràng là chiến dịch thông tin chống Nga đang được tiến hành để gieo rắc bất hòa trong mối quan hệ đối tác chiến lược đang mở rộng giữa Moscow và Tehran" - Bà Zakharova nhấn mạnh.
Minh Minh