Kaspersky, công ty phần mềm diệt virus và bảo mật đến từ Nga, vừa đưa ra một "món quà chia tay" cho người dùng Mỹ: cung cấp miễn phí các sản phẩm bảo mật trong vòng 6 tháng, kèm theo những lời khuyên hữu ích để đảm bảo an toàn trực tuyến.
Quyết định này được đưa ra sau khi chính phủ Mỹ đưa Kaspersky vào "Danh sách Thực thể" - danh mục các "cá nhân, công ty và tổ chức nước ngoài bị coi là mối đe dọa an ninh quốc gia". Hậu quả là Kaspersky buộc phải đóng cửa chi nhánh và sa thải nhân viên tại Mỹ.
Trong thông điệp gửi riêng đến người dùng Mỹ, Kaspersky bày tỏ lòng biết ơn vì đã lựa chọn và tin tưởng sản phẩm của họ trong suốt những năm qua.
Để tạm biệt thị trường Mỹ, Kaspersky tặng người dùng một số phần mềm bảo mật miễn phí trong nửa năm. "Kaspersky sắp rời khỏi Mỹ, chúng tôi muốn tri ân người dùng bằng cách cung cấp miễn phí một số giải pháp bảo mật trong 6 tháng", thông điệp của công ty viết.
Bên cạnh đó, Kaspersky cũng đưa ra một vài lời khuyên hữu ích giúp người dùng tránh gặp rắc rối và an toàn hơn trên môi trường mạng, như luôn luôn sao lưu dữ liệu. thận trọng với các liên kết và kiểm tra kỹ nguồn gốc trước khi nhấp vào, bảo vệ danh tính trực tuyến, thay đổi mật khẩu thường xuyên, sử dụng mật khẩu phức tạp và dài.
Thời hạn miễn phí 6 tháng có thể liên quan đến lệnh cấm của Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) thuộc Bộ Thương mại Mỹ. Theo đó, lệnh này cấm bán và phân phối các sản phẩm của Kaspersky, bao gồm cả cập nhật, tại Mỹ bắt đầu từ ngày 29/9.
Điều này đồng nghĩa với việc sau ngày đó, người dùng Kaspersky tại Mỹ sẽ không còn nhận được cập nhật tự động và định nghĩa virus mới thông qua phần mềm. Họ sẽ phải tự cài đặt thủ công thông qua trang web của Kaspersky (nếu được cung cấp), khiến khả năng bảo mật của sản phẩm giảm sút.
Trong một tuyên bố gửi BleepingComputer, Kaspersky cho biết họ sẽ bắt đầu đóng cửa chi nhánh tại Mỹ từ ngày 20/7, bao gồm cả việc sa thải nhân viên.
"Quyết định và quá trình này diễn ra sau Phán quyết Cuối cùng của Bộ Thương mại Mỹ, cấm bán và phân phối các sản phẩm Kaspersky tại Mỹ. Công ty đã cân nhắc kỹ lưỡng tác động của các yêu cầu pháp lý của Mỹ và đưa ra quyết định khó khăn này do các cơ hội kinh doanh ở nước này không còn khả thi."
Với việc thị trường Mỹ không còn tiếp cận được và trước áp lực từ Nghị viện Châu Âu về việc loại trừ việc sử dụng các sản phẩm từ các nhà cung cấp Trung Quốc và Nga trong các lĩnh vực quan trọng và nhạy cảm của Liên minh Châu Âu, Kaspersky hiện buộc phải chuyển hướng sang các khu vực khác như Châu Á và Nam Mỹ.