Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực chính thức từ ngày 1/1/2025, thay thế cho nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/NĐ-CP) đang là chủ đề quan tâm của nhiều người dân khi mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông tăng mạnh.
Một trong các mức xử phạt được nhiều người quan tâm là đối với hành vi “không gạt chân chống khi lái xe”.
Cụ thể, quy định tại điểm a, Khoản 9, Điều 7 của Nghị định 168 quy định mức xử phạt từ 8 – 10 triệu đồng cho nhiều hành vi, bao gồm: “Điều khiển xe lạng lách, đánh võng trên đường bộ; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy”.
Ngoài ra, theo điểm b, Khoản 12, Điều 7 của Nghị định, quy định hình thức phạt bổ sung đối với người vi phạm là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10-12 tháng.
Mức xử phạt mới cao hơn nhiều so với quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định hành vi “sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy” với mức xử phạt từ 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển xe. Mức xử phạt bổ sung của Nghị định 100 là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.
Mức xử phạt này có thể sẽ khiến nhiều người có tính hay quên phải giật mình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giao thông, quy định về việc xử phạt “sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy” sẽ ngăn ngừa được nhiều tình huống tai nạn có thể diễn ra, ảnh hưởng tới sự an toàn của người tham gia giao thông. Mức phạt này thường được áp dụng cho các đối tượng đua xe trái phép, lạng lách đánh võng cố ý dùng chân chống hoặc vật nhọn quệt xuống đường tạo tia lửa, âm thanh… gây hư hại cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ và tiềm ẩn nguy cơ va quẹt, tai nạn. Đối với tình huống người lái xe vô tình quên gạt chân chống sẽ bị cảnh sát giao thông nhắc nhở.
Thực tế, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 cũng đã có quy định rõ người lái xe máy không được phép để chân chống hoặc vật gì quệt xuống đường khi xe đang chạy. Cụ thể, Khoản 3, điều 33 của Luật quy định, người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và xe gắn máy không được phép thực hiện các hành vi sau: Đi xe dàn hàng ngang; đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác; sử dụng ô tô, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính; Ngồi một bên điều khiển xe; đứng, nằm trên xe điều khiển xe; thay người lái xe khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe; đặc biệt là sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy…
Nguyên Đỗ