Ai cũng hiểu rằng để nhanh chóng sở hữu được nhà riêng và xe ô tô thì cần phải học cách quản lý tài chính, hạn chế tiêu xài hoang phí. Tuy nhiên làm sao để tối ưu chi tiêu thì không phải ai cũng biết.
Lắng nghe chia sẻ của gia đình dưới đây có thể phần nào giúp bạn tìm được đáp án cho thắc mắc phía trên.
Mới đây, trong một nhóm trên mạng xã hội về quản lý tài chính và đầu tư, bài đăng của người vợ về chi tiêu của gia đình đang ở giai đoạn trả nợ sau khi làm được nhà, mua được xe - đã nhận được nhiều quan tâm.
Cụ thể gia đình gồm 4 người, kiếm được 29-31 triệu đồng/tháng. Theo đó, thu nhập cố định của vợ là 11 triệu/tháng, kiếm thêm là 5-6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, thu nhập cố định của chồng là 12 triệu đồng/tháng, kiếm thêm là 1-2 triệu đồng/tháng. Hiện, họ đang có khoản nợ 300 triệu đồng. Nhà được xây trên đất bố mẹ chồng cho.
Thu nhập hàng tháng của gia đình được phân bổ như sau: Lương vợ dùng để chi tiêu cho gia đình và đầu tư. Còn lương chồng thì dành 10 triệu để trả nợ, còn lại bao nhiêu là anh chi tiêu cá nhân.
Đáng nói, chi phí sinh hoạt hàng tháng của gia đình trung bình chỉ là 17,3 triệu đồng - một con số đáng nể với số thành viên là 4 người. Cụ thể, bảng chi tiêu của gia đình này như sau:
- Tiền chăm con: (1) Tiền chăm con lớn: 3,25 triệu đồng (gồm tiền học ở trường, tiền học thêm, mua sữa và vitamin), (2) Tiền chăm con bé: 2,6 triệu đồng (gồm tiền học ở trường, tiền học nhảy, mua sữa và vitamin).
- Tiền ăn: 4 triệu đồng.
- Tiền điện nước: 800.000 đồng.
- Tiền xăng xe, điện thoại: 500.000 đồng.
- Tiền mua dầu gội, sữa tắm, mắm muối, mì chính, nước giặt,...: 1 triệu đồng.
- Tiền mua quần áo: 500.000 đồng.
- Tiền mua thuốc men: 200.000 đồng.
- Tiền đi đám xá: 1 triệu đồng.
- Tiền đầu tư: 2 triệu đồng.
- Tiền chơi sinh nhật: 1,5 triệu đồng.
Chia sẻ về tài chính của gia đình, người vợ mong muốn được góp ý về khoản chi tiêu mà gia đình cô có thể cắt giảm. Tuy nhiên, nhìn bảng thu chi này, ai cũng tấm tắc khen gia đình đã tiêu xài khôn khéo, nên khó tìm được khoản nào có thể giảm bớt.
Một số bình luận bên dưới bài đăng:
- Mình nghĩ thực ra nhà bạn đã "vén" khéo lắm rồi. Vì lương 10 triệu của ông xã đã dùng để trả nợ. Còn lại là khoản mục đầu tư cá nhân và tiền chơi sinh nhật thì có thể tiết kiệm mà.
- Dùng tiền chơi sinh nhật và tiền đầu tư là bằng tiết kiệm rồi mà. Mình thấy bạn vén quá khéo luôn rồi.
- Với thu nhập của bạn mà có tiền làm nhà và mua xe là tiêu khéo lắm rồi. Không nên tìm cách cắt bớt nữa đâu.
- Trả nợ mỗi tháng cũng gần 1/3 thu nhập rồi. Hai khoản chi tiêu cuối mà bạn biết dùng cẩn thận thì mỗi năm còn trả thêm được chút nợ nữa.
- Xây được nhà và mua xe với mức lương kia thì cũng giỏi thật đấy.
Thói quen mua hàng cần bỏ ngay nếu muốn sống tiết kiệm
Từ chia sẻ của vợ chồng trên có thể thấy gia đình nào có mức lương trung bình, chưa tìm được cách gia tăng thu nhập thì sống tiết kiệm vẫn là phương pháp hiệu quả để nhanh chóng mua được tài sản lớn. Để gia tăng quỹ tiết kiệm, bạn cần tránh xa những thói quen mua hàng lãng phí và chi tiêu xa xỉ.
- Mua hàng theo xu hướng
Khi xem những video trên mạng xã hội, bạn dễ bị lôi cuốn vào việc mua hàng chạy theo xu hướng. Đây là hình thức mua hàng chỉ mang lại sự thỏa mãn phù phiếm, mới lạ trong ngắn hạn và không có lợi trong việc lập kế hoạch tài chính lâu dài.
Chúng ta phải luôn nhắc nhở bản thân không được tiêu dùng một cách mù quáng để chạy theo xu hướng. Cách mua sắm thông minh là phải dựa trên nhu cầu thực tế và tình hình tài chính cá nhân.
- Theo đuổi mù quáng đồ từ thương hiệu nổi tiếng
Các sản phẩm từ thương hiệu nổi tiếng có mức giá tương đối cao. Chúng thường nằm ngoài khả năng tài chính so với mức lương của người bình thường như chúng ta. Hơn nữa, việc theo đuổi mua hàng từ thương hiệu nổi tiếng có thể khiến con người rơi vào vòng xoáy tiêu dùng vô tận. Một khi bắt đầu chạy theo các thương hiệu nổi tiếng một cách mù quáng, bạn sẽ khó hài lòng nếu mua sắm đồ bình dân.
Trên thực tế, sản phẩm đến từ thương hiệu nổi tiếng chưa hẳn là lựa chọn tốt nhất. Mà chúng ta nên lựa chọn món hàng phù hợp dựa trên nhu cầu sử dụng thực tế và tình trạng tài chính của mình.
- Tiêu dùng cho giải trí quá mức
Giải trí là một phần tất yếu của cuộc sống. Tuy nhiên việc giải trí quá mức sẽ lại tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc của chúng ta.
Ví dụ, nếu thường xuyên dành tiền cho tiệc tùng, đi du lịch, mua các sản phẩm giải trí sẽ làm tăng chi phí. Để tiết kiệm tiền, chúng ta cần sắp xếp thời gian, số tiền dành cho giải trí một cách hợp lý, tránh tiêu dùng quá mức. Thêm vào đó, bạn nên bổ sung những hoạt động giải trí miễn phí như đọc sách, hoạt động ngoài chơi và đi chơi cùng bạn bè.