Như báo Người Đưa Tin đã đưa trước đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và bộ GTVT, công ty TNHH Grab Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan và 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh, triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Đề án GrabCar). Thời gian diễn ra từ tháng 1/2016, đến tháng 1/2018.
Theo lộ trình thí điểm, từ tháng 10/2016, GrabCar bắt đầu triển khai tại Đà Nẵng. Nhưng lãnh đạo thành phố này liên tiếp kiến nghị từ chối hoạt động của này. Thế nhưng, theo thực tế ghi nhận của chúng tôi, dịch vụ vẫn đang diễn ra tại Đà Nẵng và được đông đảo người dân, khách du lịch đón nhận.
Dich vụ Grabcar đang diễn ra tại Đà Nẵng và được đông đảo người dân, khách du lịch đón nhận. (Ảnh minh họa) |
Để làm rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã liên lạc đến sở GTVT Đà Nẵng (đơn vị tham mưu) để tìm hiểu. Tại đây, nhóm PV được Sở cho tiếp cận Công văn số 1000/UBND-SGTVT do Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn ký ngày 14/2, gửi bộ Giao thông vận tải, về lý do chưa thí điểm triển khai ứng dụng GrabCar, trên địa bàn TP.Đà Nẵng.
Trong công văn nêu rõ lý do như sau: “Khi so sánh hoạt động kinh doanh vận tải ứng dụng GrabCar với kinh doanh thông thường bằng xe taxi, 2 loại hình kinh doanh vận tải này có điểm tương đồng như: Cùng sử dụng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi, phạm vi hoạt động trên địa bàn thành phố, hình thức gọi xe (qua tổng đài và phần mềm ứng dụng trên internet), cước/giá hợp đồng tính theo kilomet lăn bánh, hình thức thanh toán linh hoạt (tiền mặt hoặc thẻ). Khi đưa vào hoạt động, GrabCar sẽ cạnh tranh trực tiếp với loại hình xe taxi đang được cấp phép hoạt động theo quy hoạch của thành phố (1.700 xe).
Việc triển khai mô hình GrabCar tại Đà Nẵng vào thời điểm hiện tại sẽ làm gia tăng số lượng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi (cùng loại với phương tiện đang hoạt động taxi), làm vỡ quy hoạch phát triển mạng lưới taxi đã được UBND thành phố phê duyệt, gây nên kẹt, ùn tắt giao thông càng nghiêm trọng trên địa bàn. Trong khi đó, tình hình nhu cầu vận tải hành khách đang hoạt động ổn định… Do vậy tại cuộc họp ngày 12/01/2017, Thường trực Thành ủy thống nhất giao UBND thành phố có văn bản, gửi bộ Giao thông vận tải, về việc chưa thí điểm triển khai ứng dụng GrabCar, ở thời điểm hiện nay”, công văn ghi rõ.
Grab Việt Nam khẳng định, hiện nay, công ty đang cung cấp dịch vụ tiện lợi với việc đặt xe hơi chỉ trong 3-5 phút, giá rẻ hơn khoảng 20% so với taxi thường. |
Trả lời chúng tôi, đại diện công ty TNHH Grab Việt Nam khẳng định, hiện nay, công ty đang cung cấp dịch vụ tiện lợi với việc đặt xe hơi chỉ trong 3-5 phút là được phục vụ, giá rẻ hơn khoảng 20% so với taxi thường. Để bảo đảm tối đa trải nghiệm an toàn cho hành khách, Grab kiểm tra chặt chẽ tài xế, bao gồm cả lý lịch tư pháp. Ngoài ra, Grab có cả bảo hiểm hành trình cho khách và tài xế.
Chưa hết, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc công ty TNHH Grab Việt Nam, lý do mà Đà Nẵng đưa ra để từ chối thí điểm hoạt động của GrabCar là chưa hợp lý. Bởi ngay từ những ngày đầu hoạt động, Grab Việt Nam đã có chủ trương không khuyến khích đối tác mua xe mới, mà chỉ nên tận dụng những xe nhàn rỗi. Việc này sẽ giúp tối ưu hóa các nguồn tài nguyên sẵn có trong xã hội, mà không làm tăng lượng xe lưu thông trên đường.
Ngoài ra, một trong những mục tiêu quan trọng là tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, giảm tỷ lệ xe chạy rỗng trên đường. “Vì vậy, Grab Việt Nam rất mong có cơ hội đối thoại thêm với chính quyền Đà Nẵng, để cùng tìm ra giải pháp”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Trong khi lãnh đạo TP.Đà Nẵng chưa đồng ý triển khai thí điểm ứng dụng GrabCar trên địa bàn, thì người dân lại rất hưởng ứng sử dụng. Từ đó, xuất hiện việc hoạt động “chui”. Theo Phó Chánh thanh tra sở GTVT TP Đà Nẵng Nguyễn Trần Hoàng, thời gian qua, Thanh tra sở GTVT đã xử phạt 2 trường hợp, mời 9 lái xe, chủ xe lên phạt nguội và tiếp tục mật phục, kiểm tra và xử phạt.
Nhóm PV