Làm cha mẹ trong thời đại số, đôi khi bố mẹ phải chấp nhận rằng khi đã phơi bày cuộc sống của con cái trên mạng xã hội trong mọi hoạt động thường ngày, chắc chắn họ cũng sẽ nhận về nhiều ý kiến trong cách nuôi dạy con. Sự nổi tiếng của các gia đình đi cùng với số lượng - và đôi khi là cả độ khắc nghiệt, trong những lời bình luận từ mạng xã hội.
Một bên sẽ bám vào câu chuyện “để nuôi dạy một đứa trẻ cần cả một ngôi làng" - câu ngạn ngữ châu Phi quen thuộc, và cộng đồng mạng có “quyền giám sát", lên án nếu bố mẹ có những hành vi vi phạm quyền của trẻ em. Nuôi dưỡng một đứa trẻ là trách nhiệm của nhiều hơn một cá nhân và bảo vệ một đứa trẻ là trách nhiệm của toàn xã hội.
Một bên sẽ lên tiếng bênh vực cha mẹ trước những mũi rìu dư luận với những luận điểm như, “bố mẹ sinh con ra là họ biết cái gì tốt cho con cái họ, sao phải để người ngoài lên tiếng?”.
Đôi khi có những người ngoài vin vào “quyền bảo vệ trẻ em" và đi qua xá, thậm chí buông lời xúc phạm, miệt thị cha mẹ. Đó là điều hoàn toàn không nên. Nhưng không phải bố mẹ nào sinh con ra cũng biết tất cả điều gì là tốt cho con cái họ. Nếu vậy, thế giới này sẽ đơn giản hơn rất nhiều khi chúng ta sẽ không cần các chuyên gia giáo dục để tư vấn cho con trẻ về lộ trình học tập, không cần các chuyên gia y tế để bố mẹ cầu cứu khi con ốm đau bệnh tật. Không phải bố mẹ nào cũng biết hết mọi điều tốt cho con cái.
Họ không biết đơn thuần vì đó cũng là lần đầu tiên làm bố mẹ. Chúng ta vẫn hay đọc trong những tản văn về tình mẫu tử, về gia đình rằng, “lần đầu con làm con cũng là lần đầu tiên mẹ làm mẹ. Nếu con không ra đời, người ta đâu có gọi mẹ là mẹ đâu?”. Hiểu một đứa trẻ hay hiểu một con người không phải điều đơn giản, cũng không phải câu chuyện ngay khi chuyển sinh là tự dưng một người phụ nữ bỗng hiểu con mình. Cha mẹ có sự gắn kết đặc biệt về mặt tinh thần với một đứa trẻ nhưng để con có thể trưởng thành, khôn lớn cần cả những kiến thức cụ thể. Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 và không phải lúc nào cũng dựa vào “bản năng" của các bậc cha mẹ để cho rằng, điều họ làm là những thứ tốt nhất cho con cái.
Họ không biết vì giữa hàng trăm cách nuôi con, không ai có thể quả quyết rằng cách nuôi con nào là đúng, hoặc ít nhất đúng với con cái họ. Đó là một cuộc tranh luận không bao giờ kết thúc trong cộng đồng học thuật và nuôi dạy trẻ. Liệu nuôi dạy con theo cách của các “mẹ Hổ" châu Á có phải phương án tối ưu nhất trong cuộc sống hiện đại - nơi cha mẹ vẫn có nhiều quyền áp chế lên con cái và nắn con cái theo một khung nhất định rất điển hình kiểu phụ huynh châu Á? Hay chúng ta nên nuôi con như những “bà mẹ voi" - một thuật ngữ được sử dụng lần đầu tiên vào năm 2014 trong một bài báo trên tạp chí Atlantic bởi Priyanka Sharma-Sindhar, đề cập tới cách nuôi dạy trẻ với nhiều sự linh hoạt, cho con cái lựa chọn thay vì đưa ra những chỉ dẫn nghiêm ngặt và con phải tuân thủ? Chúng ta nên giữ con ở trong nhà nhiều để tránh những rủi ro khi tham gia các hoạt động ngoài trời hay cho phép con sống cuộc đời như những đứa trẻ ở vùng Scandinavina, tự do hoà mình với thiên nhiên để trở nên dạn dĩ hơn?
Tôi đoán chắc rằng không có một phụ huynh nào có thể biết đâu là điều tốt nhất cho con trẻ của mình giữa hàng trăm phong cách nuôi dạy như vậy. Bố mẹ có thể dựa vào những quan sát của bản thân, có thể nếu thấy con là người yêu thiên nhiên cây cỏ thì sẽ tạo điều kiện cho con với phương pháp nuôi dạy nhiều sự tự do hơn, nhưng cũng không có gì chắc chắn đó là điều tốt cho con vì để nhìn ra hiệu quả của một phương pháp nuôi dạy cần nhìn vào hành trình dài.
Thỉnh thoảng tôi vẫn đùa với bạn bè mình rằng, nuôi con cũng là một “cuộc thử nghiệm" của bố mẹ. Mỗi ông bố bà mẹ đang cố gắng gom nhặt những điều mình cho là tốt nhất, người khác cho là phù hợp nhất để “thử nghiệm" trên con mình, và ai cũng hy vọng rằng cuộc thử nghiệm này sẽ thành công, con sẽ lớn lên khoẻ mạnh và trở thành một người tốt cho xã hội.
Họ không biết vì có những điều chưa từng có tiền lệ, chưa từng xảy ra hoặc chưa có nghiên cứu khoa học đủ vững để công chúng nói chung có thể tiếp cận và hiểu về tác hại của những điều họ đang làm với con mình. Những mạng xã hội đầu tiên đã tồn tại được ngót nghét 2 thập kỷ nhưng những phiên điều trần, kiện tụng, cáo buộc Facebook gây ảnh hưởng không tốt đến trẻ em tại Mỹ vẫn cứ dùng dằng trong nhiều năm qua. Trẻ em là đối tượng tiếp nhận mạng xã hội sẽ có những câu chuyện khác với nhóm trẻ em đang được sử dụng làm công cụ kiếm tiền trên mạng xã hội cho gia đình, mà được ngành truyền thông quảng cáo gọi bằng thuật ngữ mỹ miều “Kidinfluencer". Khi phụ huynh bị kéo theo tâm lý “instant gratification" (tạm dịch: khuynh hướng hài lòng tức thì), họ không nhìn thấy những hiểm nguy tiềm tàng trong việc phô bày con cái trên mạng xã hội một cách liên tục mà chỉ thấy được những lợi ích ở hiện tại: Là tiền bạc, là những hợp đồng quảng cáo hàng trăm triệu, là các bài viết hàng trăm nghìn tương tác, là sự nổi tiếng.
Liệu đứa trẻ đó có cần sự nổi tiếng đó không? Khó lòng có thể biết được. Liệu đứa trẻ có đồng thuận với những điều bố mẹ đang làm với mình không? Khả năng là con còn không được hỏi. Liệu bố mẹ có nghĩ một ngày khi con lớn và thấy những tàn dư trực tuyến của mình đầy rẫy trên mạng, hay đọc được những bình luận tiêu cực từ người lớn về mình, con sẽ cảm thấy thế nào? Có thể bố mẹ cũng không nghĩ đến điều đó. Những điều này đôi khi cần người khác chia sẻ cho bố mẹ biết, cần những chuyên gia phân tích mạng xã hội, chuyên gia về cuộc sống số, về truyền thông, về tâm lý học…. cho bố mẹ biết.
Không phải cứ sinh con ra, bố mẹ sẽ biết hết những điều tốt cho con. Và đấy là còn chưa nói tới, có những bố mẹ nhập nhằng giữa cái tốt cho con và cái tốt cho bản thân mình.
Tôi nghĩ rằng mọi sự can thiệp thô bạo vào cách một gia đình nuôi dưỡng một đứa trẻ là điều không nên nhưng những góp ý có tính xây dựng sẽ là cách tốt để bố mẹ có thể dần thay đổi. Mọi bố mẹ sinh ra đều “MONG" điều tốt nhất cho con mình - tôi tin vậy, nhưng để “BIẾT" và “LÀM" những điều tốt nhất cho con, có lẽ không phải bố mẹ nào cũng biết.
Minh Đức - Thiết kế: Khánh Tâm