BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho hay người phương Đông gọi lươn là thiện ngư (cá lành), trường ngư, hoàng đán, hoàng thiện, hải xà, đán ngư. Lươn được đánh giá là một trong “tứ đại hà tiên” (bốn món ngon dưới nước), là “sâm động vật dưới nước”.
Lươn có tính ôn, vị ngọt, có công hiệu bổ khí dưỡng huyết, làm mạnh gân cốt, hỗ trợ điều trị viêm tai giữa, thận hư, đau lưng, liệt thần kinh mặt.
Theo Đông y, lươn giúp bổ khí huyết, thích hợp cho người mắc chứng lao lực, ho hen, phong thấp. Y học hiện đại chứng minh rằng lươn vàng có thể hỗ trợ trị bệnh đái tháo đường và tăng cường trí nhớ.
Theo bác sĩ Vũ, dù lươn rất tốt cho sức khỏe nhưng khi ăn, mọi người cũng cần phải lưu ý một số điều sau để tránh gây ngộ độc cho cơ thể.
1. Không ăn máu lươn sống
Thịt lươn lành tính, nhưng máu lươn có chứa độc tố. Nếu ăn phải máu lươn chưa được nấu chín, mọi người có thể gặp các vấn đề như: kích thích niêm mạc miệng, đường tiêu hóa, tổn thương hệ thần kinh, gây tê bì chân tay, suy hô hấp, suy tuần hoàn và thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Vũ cho biết, độc tố trong máu lươn sẽ mất đi khi được đun nấu chín. Do đó, để đảm bảo an toàn, bác sĩ khuyến cáo người dân chỉ ăn lươn khi đã nấu chín kỹ.
2. Không ăn thịt lươn sống - tái
Bác sĩ Vũ cho biết, lươn sống trong môi trường sình lầy, nước đục, ao bùn, nên có khả năng cao nhiễm các loại sán, ký sinh trùng. Do đó, bác sĩ cho biết để đảm bảo an toàn sức khỏe, mọi người không nên ăn lươn tái, lươn sống vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, gây hại cho cơ thể.
3. Không mua lươn có mùi lạ
Lươn là loại thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất, bao gồm protein, các vitamin và khoáng chất. Theo bác sĩ Vũ, trong lươn có hợp chất Histidine rất tốt cho cơ thể, nhưng khi lươn chết, hợp chất này bị ô nhiễm do bị vi khuẩn tấn công. Lúc này, Histidine có thể chuyển hóa thành chất độc Histamine, một chất độc gây ra dị ứng miễn dịch, có hại cho con người.
Do đó, để đảm bảo sức khỏe, khi mua, mọi người nên chọn những con lươn đang sống. Ngoài ra, sau khi mua lươn mua về, mọi người nên chế biến lươn càng sớm càng tốt. Nếu mua lươn về và thấy lươn có mùi lạ, màu sắc bất thường thì mọi người nên vứt bỏ để tránh ngộ độc.
4. Người bị gút không nên ăn thịt lươn
Do thịt lươn có nhiều chất đạm nên bác sĩ Vũ khuyên người mắc bệnh gút không nên ăn loại thịt này vì có thể khiến tình trạng bệnh chuyển biến nặng hơn.
5. Người mỡ máu cao cần cân nhắc khi ăn lươn
Lươn là thực phẩm tốt cho sức khỏe, tuy nhiên người bị mỡ máu cao cần cân nhắc khi ăn lươn. Bác sĩ Vũ lưu ý nếu người bị mỡ máu cao muốn ăn thịt lươn thì cần hạn chế ăn lươn ở dạng chiên, xào và nên ăn lươn hấp, luộc, nấu cháo,…
6. Cẩn trọng khi cho trẻ dưới 1 tuổi ăn lươn
Theo bác sĩ Vũ, trẻ dưới 1 tuổi có thể ăn thịt lươn, tuy nhiên cần cho trẻ ăn với lượng nhỏ. Cha mẹ tuyệt đối không nên lạm dụng thịt lươn vì điều này có thể gây dị ứng ở trẻ.
Với những trẻ có tiền sử dị ứng, cha mẹ cần hết sức thận trọng khi cho trẻ ăn thịt lươn. Cha mẹ nên cho cơn ăn thử 1 ít thịt lươn vào lần đầu và quan sát biểu hiện dị ứng của con để xử trí kịp thời.
“Mặc dù thịt lươn thơm ngon, chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nhưng mọi người cần phải lựa chọn nguyên liệu tươi ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm, chế biến đúng cách để hạn chế các nguy cơ sức khoẻ”, bác sĩ Vũ nhắn nhủ.
Ngọc Minh