Năm 2021, một quần thể "cá hóa thạch bốn chân" hay còn gọi là cá vây tay (Coelacanth) bất ngờ được phát hiện sống khỏe mạnh ngoài khơi Madagascar, vùng Tây Ấn Độ Dương. Theo báo cáo từ tổ chức bảo tồn môi trường phi lợi nhuận Mongabay News, những người ngư dân đã vô tình phát hiện loài này khi sử dụng lưới Gillnet đặc biệt để bắt cá mập.
Lưới Gillnet này là loại cải tiến, có thể thả đến độ sâu khoảng 150 mét dưới mặt nước biển, nơi loài cá vây tay thường sinh sống. Sự xuất hiện trở lại của loài cá này không chỉ gây ngạc nhiên mà còn cho thấy một hiện tượng sinh học độc đáo được gọi là "Lazarus", khi một loài tưởng chừng đã biến mất bỗng xuất hiện trở lại.
Cá vây tay là loài cá có xương cổ đại, sinh sống chủ yếu dưới vùng nước sâu. Loài này có niên đại khoảng 420 triệu năm, lần đầu xuất hiện trong kỷ Devon. Cá vây tay có thể sống thọ đến 100 năm, dài đến gần 2 mét và nặng khoảng 90 kg. Loài cá này sống chủ yếu ở độ sâu 100–150 mét, ban ngày trú trong hang đá, ban đêm ra ngoài săn mồi.
Cấu trúc cơ thể của cá vây tay rất đặc biệt. Chúng là loài động vật còn sống duy nhất có khớp nối trong hộp sọ, tạo nên khả năng ngoạm và nuốt con mồi lớn hơn. Bên cạnh đó, mắt của loài này chứa "tapetum lucidum" – chất phản quang giống mắt mèo – giúp chúng quan sát tốt ngay cả trong điều kiện ánh sáng yếu, tăng khả năng săn mồi ban đêm.
Nghiên cứu gần đây đã tiết lộ nhiều điều thú vị về sinh học của cá vây tay. Chúng trưởng thành rất chậm, thời gian mang thai kéo dài đến 5 năm – thời gian lâu nhất trong các loài động vật có xương sống. Sự phát hiện này cho thấy sự tiến hóa đặc biệt của loài cá cổ đại này nhằm thích nghi với môi trường biển sâu. Tuy nhiên với tốc độ trao đổi chất chậm, số lượng cá thể tự nhiên rất thấp, số lượng loài này hiện được coi là cực kỳ nguy cấp.
Loài cá này cũng đặc biệt về mặt tiến hóa. Với nhiều vây giống chi trước và chi sau, cá vây tay được coi là loài chuyển tiếp giữa cá và động vật bốn chân. Nghiên cứu gien cho thấy cá vây tay có họ hàng gần hơn với động vật bốn chân so với cá phổi. Phát hiện này đóng góp cho hiểu biết về quá trình chuyển đổi của sinh vật từ môi trường nước lên cạn.
Bộ gen của cá vây tay dài khoảng 3 tỷ ký tự ADN, tương đương kích thước bộ gen người. Tuy nhiên, tốc độ tiến hóa của gien cá vây tay chậm hơn nhiều so với các loài cá khác và các động vật trên cạn. Điều này khiến các nhà khoa học coi chúng là một mẫu vật lý tưởng để nghiên cứu tiến hóa sinh học trong điều kiện khắc nghiệt của môi trường biển sâu.
Ngoài việc giúp giải mã quá trình tiến hóa của sinh vật từ nước lên cạn, bộ gen cá vây tay còn cho phép các nhà nghiên cứu hiểu thêm về cách hệ miễn dịch và hệ khứu giác của chúng thích ứng với môi trường trên cạn. Phát hiện về loài cá này đã trở thành một dấu mốc quan trọng, giúp làm rõ lịch sử tiến hóa của động vật có xương sống trên Trái Đất.
Trên thực tế, các dẫn liệu hóa thạch cho thấy cá vây tay biến mất cùng thời gian khủng long tuyệt chủng. Điều này khiến các nhà khoa khoa học tin rằng chúng đã bị tuyệt chủng hơn 65 triệu năm trước cho đến khi cá vây tay Tây Ấn Độ Dương được phát hiện ở ngoài khơi Nam Phi năm 1938.
Hiện tại, cá vây tay được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp theo phân loại của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), với số lượng cá thể tự nhiên rất ít. Sự sống sót kỳ diệu của chúng cho thấy một loài cá cổ đại vẫn tồn tại và tiến hóa trong điều kiện khắc nghiệt dưới đáy biển.
Kim Linh (Tổng hợp)