Mới đây, tại chương trình Câu chuyện âm nhạc, ca sĩ Long Nhật đã chia sẻ về chặng đường ca hát ban đầu của mình.
Anh nói: “Trong 35 năm sự nghiệp của tôi có nhiều dấu ấn lắm, thành công, huy hoàng có, đắng cay, thất bại cũng có.
Dấu ấn khó quên nhất là lúc đầu tôi không được ba cho đi hát, sợ làm nghệ sĩ thì khổ. Tôi trốn ba, rời Huế đi hát cho Đoàn ca múa Bình Định. Ba tìm tới bắt tôi về, tôi lại trốn vào Đà Nẵng để hát cho Đoàn ca múa Quảng Nam. Ba lại tìm tới bắt tôi về Huế.
Lần này, tôi trốn tiếp vào hát cho Đoàn ca múa Nha Trang. Lúc đó tôi mới 17 tuổi, vừa học xong lớp 12, phải vào một đại bang toàn ngôi sao lớn thì rất áp lực. Anh phó đoàn hỏi tôi muốn hát bài gì thì hát một bài thử xem sao.
Tôi xin anh phó đoàn cho hát hai bài và tự tin nói: “Phải hát hai bài mới thấy được khả năng của em”.
Ngọc Thúy khi ấy đang là ngôi sao ca nhạc của đoàn, nghe thấy tôi hát xong liền chạy xuống nói với hội đồng nghệ thuật: “Người con trai này có giọng hát lạ quá, giọng ngọt, hát chính xác từng nốt”.
Tôi được nhận vào đoàn nhưng đoàn yêu cầu tôi phải về nhà bảo cha mẹ ký giấy thì mới cho vào. Tôi về nhà thì ba không đồng ý, muốn tôi đi theo con đường giáo viên truyền thống của gia đình. Ba tôi là một giáo viên dạy văn sử, có nhiều bạn bè là nhà văn, nhà thơ.
Ba không muốn tôi phải xa nhà, chịu cảnh gạo chợ nước sông như vậy. Tôi không chịu ở nhà, muốn đi hát để ngày nào cũng được hát, muốn được trở thành ca sĩ chuyên nghiệp.
Tôi còn bảo với mẹ là phải được hát thì tôi mới được sống. Tôi bảo ba cho tôi đi hát ba năm, nếu không thành công thì tôi về Huế học sư phạm. Vì thế nên cha mẹ tôi mới đồng ý”.
Tiếp đó, Long Nhật chia sẻ thêm về thầy mình là NSND Thu Hiền: “Vừa rồi tôi có tổ chức liveshow kỷ niệm 35 năm ca hát và có mời được cô giáo tôi là NSND Thu Hiền. Hai cô trò tôi song ca bài Thương về cố đô và Hai quê.
Về bài Hai quê, lâu nay tôi và mọi người cứ hát theo điệu hò Hà Tĩnh. Cô Thu Hiền dạy lại cho tôi. Cô bảo Phá Tam Giang trong bài đã ở Huế nên phải hát theo điệu hò Huế”.
Tùng Ninh