Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng sản lượng ô tô lắp ráp trong nước năm 2023 đạt 347.400 xe các loại, giảm 12% so với 2022; còn ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đạt 117.800 xe các loại, giảm 32% so với 2022. Như vậy, tổng nguồn cung ô tô năm 2023 là 465.200 xe các loại.
Trong khi đó, tổng doanh số bán toàn thị trường, tính cả các doanh nghiệp không thuộc VAMA trong năm 2023 , đạt khoảng 380.000 xe. Ước tính, tồn kho vào khoảng 85.000 xe.
Bước sang năm 2024, khi chính sách ưu đãi 50% lệ phí trước bạ đối với những xe được sản xuất, lắp ráp trong nước hết hiệu lực, thị trường ô tô Việt dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp, địa phương đã có kiến nghị tiếp tục duy trì chính sách này trong một thời gian nhất định của năm 2024 để gỡ khó cho thị trường. Tuy nhiên, hiện mới chỉ là đề xuất và chưa có tín hiệu cho thấy đề xuất kể trên sẽ được thông qua.
Bên cạnh đó, theo quy định hiện nay về việc miễn đăng kiểm lần đầu cho ô tô mua mới cũng sẽ tác động đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt. Điều kiện của phương tiện để được áp dụng quy định này là có năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định dưới 2 năm (năm sản xuất cộng 1 năm) và có đủ hồ sơ hợp lệ, sẽ được cấp tem và giấy chứng nhận tại các trung tâm đăng kiểm mà không phải mang xe đến trình diện. Vì vậy, nếu xe tồn kho càng lâu, lợi thế của xe trong việc đăng kiểm cũng sẽ bị giảm đáng kể.
Thực tế, trong 2 tháng cuối 2023, thị trường đã chứng kiến có những mẫu xe giảm giá tới 500 triệu đồng. Không chỉ những xe thuộc phân khúc trên, nhiều mẫu xe bình dân có số VIN năm 2022 đã phải hạ giá tới hàng trăm triệu đồng để đẩy hàng tồn kho. Đây là cơ hội hấp dẫn cho người mua khi có thể sở hữu những chiếc xe yêu thích với giá hấp dẫn.
Kết hợp các yếu tố kể trên, nhiều chuyên gia cho rằng, với lượng xe tồn kho nhiều, sức mua giảm sẽ buộc các doanh nghiệp và đại ý tiếp tục triển khai các chương trình ưu đãi mạnh tay như những tháng cuối năm 2023 vừa qua.
Thành Đô (tổng hợp)