Một số lưu ý khi đổi bằng sau đề xuất bỏ nhiều hạng GPLX
Dự thảo Luật TTATGT đường bộ của Bộ Công an mới đây với một số đề xuất thay đổi phân hạng giấy phép lái xe (GPLX) so với quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008. Theo đó, Bộ Công an đề xuất bỏ giấy phép lái xe hạng A1, A4, B1, B2, E, FE, FC. Thay vào đó sẽ là các hạng giấy phép lái xe như A, A3, B, C1, C.
Nếu đề xuất này được thông qua thì người có bằng lái xe theo phân hạng cũ không phải đổi lại theo phân hạng mới, trừ những trường hợp bắt buộc đổi như: GPLX được cấp lại do hết hạn, bị mất; GPLX được đổi do bị hỏng hoặc sai lệch thông tin ghi trên giấy phép lái xe và các trường hợp khác quy định tại Khoản 3 Điều 43.
Việc cấp đổi GPLX theo phân hạng mới được quy định tại Khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật:
- Giấy phép lái xe hạng A3, C giữ nguyên và đổi, cấp lại cùng hạng;
- Giấy phép lái xe hạng A2 đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng A1;
- Giấy phép lái xe hạng A đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng A2;
- Giấy phép lái xe hạng B đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng B1, B2;
- Giấy phép lái xe hạng D2 đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng D;
- Giấy phép lái xe hạng D đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng E;
- Giấy phép lái xe hạng BE đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng FB2;
- Giấy phép lái xe hạng CE đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe FC;
- Giấy phép lái xe hạng D2E đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng FD;
- Giấy phép lái xe hạng DE đổi, cấp lại cho những người có giấy phép lái xe hạng FE.
Trẻ dưới 10 tuổi không được ngồi cùng hàng ghế với lái xe
Tại Điều 9 của dự thảo Luật TTATGT đường bộ có quy định: Trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 mét được chở trên xe ô tô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ.
Trong khi đó, trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em".
So với dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ hồi năm 2020, dự thảo Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm nay đã giảm 2 tuổi trong quy định cấm để trẻ em ngồi hàng ghế trước trên ô tô.
Bổ sung đối tượng được phép chở ba trên xe máy
Với trường hợp xe máy được chở ba người, dự thảo luật mới bổ sung đối tượng được phép chở ba là người già yếu hoặc người khuyết tật (quy định hiện hành là xe máy chở ba trong trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật, trẻ em dưới 14 tuổi).
Tiêu chuẩn ô tô trên 9 chỗ đưa đón học sinh
Dự thảo Luật cũng quy định ôtô trên 9 chỗ để đưa đón học sinh phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm (quy định hiện nay là không quá 20 năm), có đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn riêng để nhận diện. Riêng ô tô đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc phải sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp lứa tuổi, kính xe bảo đảm có thể quan sát rõ phía trong xe từ bên ngoài.
Đồng thời, phải bố trí tối thiểu một người quản lý trên mỗi xe để hướng dẫn, giám sát, giữ trật tự và bảo đảm an toàn cho học sinh trong suốt chuyến đi. Trường hợp sử dụng xe có sức chứa trên 24 chỗ để đưa đón học sinh mầm non, phải bố trí tối thiểu hai người quản lý.
Anh Nguyễn (tổng hợp)