Mới đây, tập đoàn mẹ Daimler của Mercedes-Benz đã xác nhận đang đối mặt với một cuộc điều tra mới sau khi các cơ quan chức năng Đức thu thập được bằng chứng cho thấy sự gian lận trong phần mềm của hơn 60.000 xe GLK 220 CDI (động cơ dầu diesel) sản xuất trong giai đoạn từ tháng 6-2012 đến tháng 6-2015.
Những gian lận trong phần mềm của GLK 220 CDI dựa trên nguyên lý giống với thủ thuật từng được Volkswagen áp dụng. Cụ thể, hệ thống kiểm soát điện tử của xe sẽ tìm cách giảm lượng khí thải nitrogen oxide để vượt qua các phép thử đánh giá của cơ quan chức năng, nhưng sẽ cho phép vượt ngưỡng quy định khi xe vận hành trong thực tế.
Các cơ quan chức năng đang kiểm tra xem có phải phần mềm gian lận khí thải đã được cài vào các xe GLK 220 CDI sản xuất trong thời gian từ năm 2012 đến 2015 không, vì kết quả kiểm thử nghiệm cho thấy xe chỉ đáp ứng tiêu chuẩn khí thải khi một tính năng trên xe được bật lên.
|
Tính năng này sau đó bị bỏ sau khi hãng xe tiến hành cập nhật phần mềm, theo tờ Bild am Sonntag của Đức. Một người phát ngôn của Daimler cho biết công ty cũng đang xem xét vấn đề này và hoàn toàn hợp tác với KBA.
Mercedes-Benz đã tuân thủ một quy trình với sự thống nhất với KBA và Bộ Giao thông Đức khi phải triệu hồi 3 triệu xe và cập nhật phần mềm để giảm lượng khí thải NOx.
“Cáo buộc chúng tôi muốn che giấu điều gì đó thông qua chương trình triệu hồi xe tự nguyện này là không đúng sự thật,” người phát ngôn của Daimler nói.
Theo báo Đức Bild, Daimler đang phải triệu hồi 700.000 xe trên toàn cầu (trong đó có khoảng 280.000 xe tại thị trường quê nhà) theo yêu cầu của Cơ quan Quản lý vận tải cơ giới liên bang Đức (KBA). Như vậy, nếu được yêu cầu triệu hồi cả 60.000 chiếc GLK 220 CDI lần này, tổng số xe Mercedes-Benz phải triệu hồi sẽ lên tới 760.000 xe và có vẻ con số cuối cùng chưa dừng ở đó.
Hiện nay, KBA cũng đang yêu cầu hãng xe Đức phải tiến hành khắc phục tình trạng khí thải vượt mức quy định thông qua các dịch vụ tự nguyện đối với khoảng 3 triệu chiếc xe động cơ dầu diesel mang biểu tượng ngôi sao ba cánh.
ANH BẰNG