Điều trước tiên cần nắm rõ đó là việc vá một lỗ hổng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ quan trọng của nó. Ví dụ, nếu Microsoft tìm thấy một lỗi trong Windows Defender xảy ra khi sử dụng trình duyệt Chrome. Do trình duyệt này được sử dụng nhiều nên phạm vi ảnh hưởng của nó rất lớn, vì vậy, ngay cả khi đó là một vấn đề nhỏ, Microsoft vẫn có lý do để lập tức tìm cách giải quyết nó.
Nhưng nếu điều này xảy ra với trình duyệt có lượng người dùng rất nhỏ là Firefox, tác động của nó sẽ ít hơn, vì vậy Microsoft dường như rất bình tĩnh trong việc giải quyết lỗ hổng. Đó là lý do vì sao Microsoft phải mất 5 năm kể từ khi phát hiện lỗ hổng trong Windows Defender đối với Firefox thì hãng mới tiến hành sửa lỗi. Nói về lỗi này, đó là khả năng tiêu hao CPU cao khi sử dụng trình duyệt Mozilla Firefox. Việc vá lỗ hổng này được giải quyết hoàn toàn nhờ nỗ lực chung của nhóm phát triển Mozilla và Microsoft.
Để giải quyết vấn đề, Microsoft sẽ triển khai bản cập nhật cho Windows Defender, về cơ bản sẽ độc lập với bản cập nhật ở cấp hệ điều hành mà Microsoft phát hành định kỳ cho Windows 10 và 11. Bản cập nhật này cũng sẽ đến với Windows 7 và 8.1 - hai hệ điều hành không còn được hỗ trợ chính thức từ Microsoft.
Bản cập nhật giải quyết lỗ hổng này được triển khai lần đầu tiên vào ngày 4/4 và hiện đã có sẵn rộng rãi cho đông đảo người dùng. Đây là một bản cập nhật rất quan trọng đối với tất cả những người sử dụng Firefox trên Windows với bộ bảo vệ của Microsoft vì nó khiến hiệu suất trình duyệt rất kém và thời gian phản hồi rất chậm, ngay cả trong tác vụ đơn giản như duyệt các trang web khác nhau và tải lại hoặc chuyển trang.
Thái An