Trong một nhà kho rộng 50 mét ở phía nam thành phố Brisbane của Australia, các tấm pin mặt trời đang biến thành bạc và đồng.
Các tấm pin mặt trời không còn khả năng sản xuất điện đang được tách nhôm và dây điện trước khi bị nghiền và tinh chế thành nhựa, thuỷ tinh, silicon, bạc và đồng. Tại cơ sở tái chế này, tấm pin mặt trời cũ chưa bị bỏ phí thành phần nào.
Giám đốc John Hill của công ty Pan Pacific Recycling cho biết việc thu hồi vật liệu mà không gây phát thải hoặc phải mang đi chôn lấp là "một bước ngoặt lớn đối với toàn bộ ngành này trên toàn thế giới".
Hiện tại, công ty xử lý 30.000 tấm pin mỗi năm và hy vọng sẽ mở rộng quy mô lên 240.000 tấm. Nhưng công suất của nhà máy vẫn chỉ xử lý được phần nhỏ trong số 1,2 triệu tấm pin mặt trời phủ trên mái nhà tại tiểu bang Queensland.
Gần đây, vấn đề rác thải năng lượng mặt trời đang trở thành mối quan tâm hàng đầu tại Australia và ngày càng trở nên cấp bách hơn.
Quản lý Robyn Cowie tại Hội đồng Năng lượng Thông minh cho biết 60% - 70% tấm pin mặt trời được lắp trên mái nhà và các trang trại năng lượng mặt trời ở Australia được đưa vào các thị trường tái sử dụng ở nước ngoài.
Nhu cầu về tấm pin mặt trời cũ tại Australia gần như cạn kiệt. Giá của các tấm pin mới được sản xuất tại Trung Quốc hiện rất rẻ khiến các tấm pin cũ phải vật lộn cạnh tranh.
Bà Cowie cho biết: “Trung Quốc có năng lực sản xuất rất lớn”. Điều đó khiến giá pin mặt trời giảm xuống.
Bà cho biết chi phí lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời mới giảm nhanh chóng cũng đang làm gia tăng vấn đề rác thải năng lượng mặt trời. Chi phí giảm thúc đẩy các hộ gia đình và ngành công nghiệp thay tấm pin mặt trời mới. Phần lớn những tấm pin cũ sẽ bị chôn vùi dưới lòng đất.
Vì nhiều lý do, các tấm pin mặt trời tuổi thọ 20-30 năm đang bị tháo khỏi các mái nhà và các trang trại năng lượng mặt trời chỉ sau 10-12 năm. Bà Cowie cho biết hàng triệu tấm pin trên khắp Australia cần một nơi để kết thúc vòng đời.
Phó giáo sư Penelope Crossley tại Đại học Sydney cho biết việc chôn lấp thường là lựa chọn rẻ nhất, trừ khi có chương trình quản lý quốc gia để tái sử dụng hoặc tái chế pin năng lượng mặt trời.
Australia hiện là quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lượng mặt trời trên mái nhà. Nước này lắp đặt các hệ thống mới với tốc độ nhanh gấp 10 lần so với toàn cầu. Chuyên gia cho biết khi các hệ thống năng lượng mặt trời đó kết thúc vòng đời, ước tính 90% trong số đó sẽ được đưa vào bãi chôn lấp.
Chuyên gia tư vấn về tính bền vững James McGregor cho biết việc tháo dỡ sớm khiến một số lượng “cực lớn” các tấm pin mặt trời đang hoạt động bị đưa vào bãi chôn lấp. Cứ hai tấm pin bị thải thì có một tấm vẫn còn sử dụng được ít nhất 15 năm nữa.
Ông McGregor ước tính rằng Australia có thể vứt bỏ 8 gigawatt tấm pin mặt trời đang hoạt động vào năm 2032, tương đương 1/4 công suất lắp đặt hiện tại. Một số tấm pin bị vứt chứa những vật liệu quan trọng như đồng và bạc cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo. Chúng có thể được thu hồi thông qua quá trình tái chế.
Công ty khởi nghiệp Second Life Solar của McGregor đã hợp tác với Cơ quan Bảo vệ Môi trường New South Wales và CSIRO để chứng minh tiềm năng tái sử dụng. Họ đã hoàn thành một một cơ sở tái chế ở Wagga Wagga, New South Wales.
Ông McGregor cho biết: “Giá mua tấm pin mặt trời về tái chế vào khoảng 1 USD. Nếu tôi lấy chính tấm pin mặt trời 300 watt đó và đặt ngoài nắng trong một năm, nó sẽ tạo ra 117 USD tiền điện”.
Giám đốc John Hill của công ty Pan Pacific Recycling đã tìm thấy thị trường cho tất cả các vật liệu thu hồi được, bao gồm thủy tinh, silicon, nhựa cùng các vật liệu giá trị cao hơn là đồng, bạc và nhôm. Nhưng Pan Pacific vẫn mất từ 10 đến 15 USD chi phí tái chế cho một tấm pin.
Hội đồng Năng lượng Thông minh đang kêu gọi một chương trình quản lý quốc gia để tối đa hóa việc tái sử dụng và tái chế, đồng thời ngăn chặn viêc chôn lấp các tấm pin này.
Ông McGregor cho biết: “Đây cũng là một cơ hội tốt cho Australia… Hiện tại, hầu hết các tấm pin mặt trời của chúng tôi đều được nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời chúng tôi đang vứt bỏ những tấm pin còn tốt… Những tấm pin này có giá trị và thực sự có thể đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0”.
Theo The Guardian
Thiên Di