Vấn đề ô nhiễm không khí đáng báo động của Hà Nội
Theo thống kê, Hà Nội hiện có hơn 8 triệu dân, với mật độ dân số đạt 2.398 người/km², cao gấp 8,2 lần so với mức trung bình cả nước. Điều này tạo áp lực lớn lên hạ tầng giao thông và kỹ thuật của thành phố. Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường Thủ đô đang chịu những tác động tiêu cực ngày càng nghiêm trọng.
Là một trong hai trung tâm kinh tế lớn của cả nước, Hà Nội thu hút lượng lớn lao động đến sinh sống và làm việc, dẫn đến tình trạng quá tải về hạ tầng đô thị. Gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa nhanh cũng khiến môi trường Thủ đô bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặt ra thách thức lớn cho chính quyền trong việc phát triển đô thị bền vững mà vẫn đảm bảo bảo vệ môi trường.
Một trong những giải pháp trọng tâm mà chính quyền Hà Nội đang lên kế hoạch triển khai là "xanh hóa" hệ thống xe buýt nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo UBND TP Hà Nội, việc chuyển đổi sang xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh không chỉ giúp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, mà còn hạn chế ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng không khí. Đồng thời, việc này góp phần thu hút nhiều người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, tạo điểm nhấn cho thành phố và hỗ trợ phát triển du lịch.
Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng hệ thống xe buýt công cộng sẽ thay đổi bộ mặt giao thông đô thị, hướng tới phát triển bền vững, hiện đại và thân thiện với môi trường. Điều này cũng thúc đẩy văn hóa giao thông công cộng văn minh hơn trong cộng đồng.
Đối với người dân, hệ thống xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh mang đến dịch vụ hiện đại, thân thiện và dễ tiếp cận, giúp họ tham gia giao thông thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, việc giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống và môi trường sống tại Thủ đô.
Hà Nội "xanh hóa" xe buýt bằng cách nào?
UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt chi hơn 48.600 tỷ đồng để triển khai "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh", theo quyết định số 6004/QĐ-UBND ngày 18/11.
Đề án đặt mục tiêu đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo lộ trình chuyển đổi hiệu quả, phấn đấu đạt tỷ lệ 100% phương tiện xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh vào năm 2035.
Cụ thể, đến năm 2025, Hà Nội sẽ bắt đầu chuyển đổi sang xe buýt điện. Trong giai đoạn 2026-2035, thành phố dự kiến chuyển đổi 50% xe buýt điện và 50% xe buýt sử dụng LNG/CNG, với tổng số phương tiện cần chuyển đổi là 2.051 chiếc.
Chi tiết các giai đoạn chuyển đổi bao gồm: Năm 2025: Chuyển đổi 103 xe điện (5% tổng số phương tiện). Giai đoạn 2026-2030: Chuyển đổi 1.813 xe (93,4%), trong đó 859 xe điện và 851 xe LNG/CNG. Giai đoạn 2031-2035: Hoàn thành chuyển đổi toàn bộ 2.051 xe, đạt 100%.
Cụ thể, từ đầu năm 2025, các đơn vị vận tải sẽ thí điểm vận hành 5 tuyến xe buýt điện với 76 xe nhằm xây dựng định mức và đơn giá cho các dòng xe buýt điện có sức chứa trung bình và nhỏ. Trong năm 2025, các xe buýt diesel lớn hết thời hạn khấu hao và hợp đồng sẽ được thay thế bằng xe buýt điện lớn, tổng số phương tiện chuyển đổi trong năm này là 103 xe.
Từ năm 2026, thành phố sẽ ban hành đầy đủ định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá cho các loại xe buýt điện. Các đơn vị vận tải sẽ thay thế các phương tiện đã hết thời gian khấu hao (10 năm) theo kế hoạch thực tế trên từng tuyến. Giai đoạn 2026-2030 dự kiến chuyển đổi 1.813 xe, nâng tỷ lệ phương tiện sử dụng điện và năng lượng xanh lên 93,4% vào năm 2030.
Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến khoảng 48.625 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố sẽ đóng góp khoảng 35.996 tỷ đồng, phần còn lại 12.629 tỷ đồng sẽ do doanh nghiệp tự huy động.
Thái Hà