Phát minh “độc lạ” của vị giáo sư nọ
Được biết, đây là câu chuyện hoàn toàn có thật đã xảy ra từ khá lâu trước đây. Nhân vật chính trong câu chuyện là Cho Jae-Weon - giáo sư kỹ thuật đô thị và môi trường tại Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Ulsan (UNIST). Theo đó, giáo sư này đã phát minh ra một loại bồn cầu đột phá mới, có khả năng biến chất thải con người thành năng lượng và sẽ thưởng cho người dùng bằng tiền kỹ thuật số.
Cụ thể, chiếc bồn cầu đặc biệt này được lắp đặt ở nhà vệ sinh thân thiện với môi trường, kết nối với phòng thí nghiệm sử dụng chất thải để sản xuất khí sinh học. Giáo sư này cho rằng: “Chúng ta cần suy nghĩ theo hướng vượt ra ngoài khuôn khổ”. Có lẽ đó là lý do vì sao chiếc bồn cầu này được ra đời với công năng kỳ quái đến vậy.
Phát minh giúp đi vệ sinh cũng ra tiền…
Theo giáo sư Cho, một người trung bình tạo ra khoảng 500g chất thải mỗi ngày, có thể chuyển đổi thành 50 lít khí mê-tan. Khí này có thể tạo ra 0,5kWh điện hoặc được sử dụng để lái xe ô tô trong khoảng 1,2km (0,75 dặm). Nếu chăm chỉ đi vệ sinh đều đặn, người dùng bồn cầu cải tiến này sẽ nhận được một loại tiền kỹ thuật số gọi là "gool”. Ông cho rằng ai cũng có thể kiếm được tối thiểu 10 Ggool mỗi ngày.
Ở những giai đoạn đầu của thí nghiệm, phát minh này được đặt ở khuôn viên UNIST và được sinh viên sử dụng khá… nhiệt tình. Với các đồng Ggool kiếm được, họ có thể sử dụng để mua hàng hóa trong khuôn viên trường, từ cà phê pha sẵn đến mì cốc ăn liền, trái cây và sách... Sinh viên có thể lấy sản phẩm mình muốn tại cửa hàng và quét mã QR để thanh toán bằng Ggool.
Thế Anh