Thời điểm dễ xảy ra đột quỵ
Theo trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 29/10/2024, Hà Nội có mưa rào, gió bắc cấp 2-3, đêm lạnh, nhiệt độ thấp nhất 20 độ C.
Gió lạnh tràn về khiến không khí trở nên se lạnh. Tuy nhiên, đây là thời điểm dễ xảy ra đột quỵ, đặc biệt là với nhóm người cao tuổi, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch…
ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, Thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam cho biết, thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh đột ngột là thời điểm rất dễ xảy ra đột quỵ ở những người có yếu tố nguy cơ cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mùa lạnh là thời điểm tỷ lệ đột quỵ tăng khoảng 20-30% so với các mùa khác.
2 việc cần làm ngay để phòng ngừa đột quỵ
Bác sĩ Mạnh lưu ý người dân cần làm ngay 2 việc quan trọng dưới đây để bảo vệ sức khỏe toàn diện, phòng ngừa đột quỵ.
Mặc đủ ấm
Khi thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ giảm xuống, cơ thể dễ bị lạnh và có thể gây ra hiện tượng co mạch nhằm giữ nhiệt cho các cơ quan quan trọng.
Bác sĩ Mạnh cho biết, hiện tượng co mạch sẽ làm tăng áp lực máu, khiến huyết áp tăng cao, khiến hệ tim mạch có thể rơi vào trạng thái quá tải và làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Do vậy, cách đơn giản để ngừa đột quỵ là mặc đủ ấm, đặc biệt là người cao tuổi, người có bệnh lý tim mạch.
Các vị trí đặc biệt cần lưu ý giữ ấm bao gồm: cổ, tay, chân và ngực. Mọi người nên mặc nhiều lớp quần áo để giúp giữ nhiệt tốt hơn và giảm thiểu tác động của sự thay đổi nhiệt độ bên ngoài.
“Mọi người nên hạn chế ra ngoài vào sáng sớm hoặc tối muộn. Trong trường hợp phải đi ra ngoài vào các thời điểm trên thì mọi người cần mặc áo khoác, đeo găng tay, đi tất... để bảo vệ cơ thể khỏi không khí lạnh”, bác sĩ Mạnh nói.
"Ngoài ra, mọi người cũng có thể đi tất khi ngủ để giữ ấm hiệu quả cho cơ thể", bác sĩ Mạnh cho hay.
Nghiên cứu từ Đại học Groningen, Hà Lan cũng chỉ ra rằng, đi tất khi ngủ không chỉ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ mà còn giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp vào ban đêm, một yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến đột quỵ.
Bên cạnh việc giữ ấm bằng trang phục, người dân cần chú ý đến sự chênh lệch nhiệt độ giữa không gian trong nhà và ngoài trời. Cụ thể, khi đi từ trong nhà (nơi có nhiệt độ ấm) ra ngoài trời lạnh (nơi có nhiệt độ lạnh hơn), cơ thể cần thời gian để thích nghi. Sự chênh lệch nhiệt độ có thể gây ra tình trạng sốc nhiệt, làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Trong trường hợp này, bác sĩ Mạnh lưu ý, mọi người nên mặc thêm lớp áo khoác hoặc đứng ở khu vực trung gian để cơ thể thích nghi và làm quen với sự thay đổi nhiệt độ.
Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ
Theo bác sĩ Mạnh, những người mắc bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cần phải kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ để phòng đột quỵ. Theo đó, bệnh nhân phải tuân thủ uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Đặc biệt, khi thời tiết chuyển lạnh, huyết áp và đường huyết dễ tăng cao do cơ chế co mạch và sự ảnh hưởng của nhiệt độ đến quá trình chuyển hóa của cơ thể. Do đó, nhóm đối tượng mắc bệnh lý nền cần lưu ý:
- Kiểm tra huyết áp và đường huyết mỗi ngày để phát hiện sớm những thay đổi bất thường trên cơ thể.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế sử dụng muối, đường và chất béo bão hòa.
- Duy trì tập luyện đều đặn, nên tập vào các khung giờ có ánh mặt trời.
- Kiểm soát cân nặng.
Ngọc Minh