Từ đoạn phim mới do Công ty Sukhoi của Nga, một đơn vị thuộc Tập đoàn Máy bay Thống nhất (UAC) công bố, các chuyên gia phân tích suy đoán rằng, dường như Nga đang thử nghiệm máy bay chiến đấu Su-57 với vòi phun động cơ phẳng.
Tiết lộ này xuất phát từ một bộ phim tài liệu kỷ niệm 85 năm thành lập cục thiết kế Sukhoi và MiG, được phát sóng trên kênh Channel One của Nga trong tuần qua. Đây là lần đầu tiên các hình ảnh về cuộc thử nghiệm này xuất hiện.
Su-57 với động cơ mới
Su-57 được thiết kế vòi phun phẳng và vẫn giữ nguyên khả năng điều hướng lực đẩy, sẽ mang lại khả năng tàng hình hơn, nhờ giảm diện tích phản xạ radar và tín hiệu hồng ngoại.
Su-57 hiện đang sử dụng động cơ AL-41F1, một phiên bản cải tiến của động cơ được sử dụng trong Su-35. Tuy nhiên, tương lai chiếc máy bay này sẽ được trang bị động cơ tiên tiến hơn "Izdeliye 30" còn được gọi là AL-51F1.
Động cơ cải tiến AL-51F1 đặc trưng bởi các cánh vòi phun răng cưa và hiệu suất được cải thiện, đã được giới thiệu trong các cuộc thử nghiệm trước đây. Tuy nhiên, biến thể vòi phun phẳng được thấy trong phim tài liệu này được xem là một bước tiến đáng kể về triết lý thiết kế.
Theo Anna News, các vòi phun được hiển thị trong đoạn phim cho thấy một cấu hình độc đáo nhằm mở rộng khả năng của máy bay. Nhà thiết kế chính Mikhail Strelets lưu ý rằng, hình dạng mới này tăng cường tính tàng hình nhờ giảm khả năng phát hiện radar và nhiệt. Sự đổi mới này có thể sẽ định nghĩa lại cách hàng không vũ trụ Nga tích hợp công nghệ tàng hình vào các nền tảng của mình.
Ưu điểm của vòi phun phẳng
Vòi phun động cơ phẳng được xem là bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển hệ thống đẩy phản lực, đặc biệt là đối với máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm như Su-57. Việc áp dụng công nghệ mới không chỉ là một lựa chọn về phong cách mà còn là sự cải tiến thiết kế được tính toán nhằm cải thiện khả năng tàng hình, khí động học và khả năng sống sót trên chiến trường nói chung.
Một trong những lý do thuyết phục nhất cho vòi phun phẳng là tác động của chúng lên mặt cắt radar (RCS). Vòi phun tròn thông thường dễ bị các hệ thống radar phát hiện, vì hình dạng tròn của chúng tạo ra phản xạ radar mạnh.
Ngược lại, vòi phun phẳng phá vỡ các phản xạ này, phân tán sóng radar theo các hướng không thể đoán trước. Điều này khiến radar của đối phương khó phát hiện và theo dõi máy bay hơn.
Vòi phun phẳng cũng rất hiệu quả trong việc giảm tín hiệu hồng ngoại (IR). Máy bay chiến đấu tạo ra nhiệt lượng rất lớn, đặc biệt là ở ống xả động cơ, khiến chúng dễ bị tên lửa dẫn đường bằng IR tấn công. Thiết kế phẳng giúp phân tán lượng nhiệt thải ra hiệu quả hơn.
Kết hợp với vật liệu và lớp phủ tiên tiến, mang lại cho Su-57 lợi thế quan trọng để đối phó với các mối đe dọa tầm nhiệt, cho phép máy bay tiếp cận mục tiêu gần hơn với nguy cơ bị phát hiện thấp hơn.
Về mặt khí động học, vòi phun phẳng mang lại những lợi thế độc đáo, nó có thể được điều chỉnh để hợp lý hóa luồng khí thải, có khả năng giảm lực cản và cải thiện tốc độ cũng như hiệu quả nhiên liệu của máy bay.
Điều quan trọng là việc tích hợp vòi phun phẳng trên Su-57 không làm mất đi khả năng điều hướng lực đẩy của máy bay, một đặc điểm kỹ thuật nổi bật của máy bay chiến đấu Nga. Các vòi phun này vẫn giữ được khả năng điều hướng lực đẩy của động cơ theo nhiều hướng, bảo toàn sự nhanh nhẹn và khả năng cơ động cho máy bay. Điều này rất cần thiết cho chiến đấu không chiến và né tránh tên lửa, mang lại cho Su-57 sự kết hợp độc đáo giữa khả năng tàng hình và ưu thế động học.
Hơn nữa, vòi phun phẳng phù hợp với thiết kế động cơ mô-đun. Bằng cách cải tiến các vòi phun tiên tiến này, Sukhoi mở đường cho ứng dụng tiềm năng của chúng trên các nền tảng khác, chẳng hạn như Su-75 Checkmate và S-70 Okhotnik UCAV.
Cuộc đua công nghệ
Đối với Su-57, vòi phun phẳng là khoản đầu tư chiến lược để luôn đi trước đối thủ. Khi máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm và thứ sáu phát triển mạnh trên toàn cầu, khả năng tàng hình kết hợp với hiệu suất chiến đấu cao sẽ là yếu tố quyết định không chiến trong tương lai.
Với sự đổi mới này, Sukhoi đang củng cố vị thế của Su-57 như một đối thủ đáng gờm trên chiến trường hiện đại, có khả năng vượt qua cả các mối đe dọa vật lý và điện tử. Tuy nhiên, so với Mỹ thì Nga vẫn đang tụt hậu trong việc phát triển công nghệ này.
Ví dụ nổi bật nhất về việc triển khai vòi phun phẳng là F-22 Raptor, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm đầu tiên trên thế giới. Được phát triển bởi Mỹ, F-22 có vòi phun phẳng, hai chiều tích hợp vào động cơ Pratt & Whitney F119.
Các vòi phun này đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tiết diện radar của máy bay trong khi vẫn duy trì khả năng điều hướng lực đẩy, cho phép Raptor đạt được sự linh hoạt trong các tình huống không chiến. Các vòi phun phẳng cũng góp phần làm giảm tín hiệu hồng ngoại, tăng khả năng sống sót của nó trước các tên lửa tầm nhiệt.
Trung Quốc cũng đã khám phá công nghệ vòi phun phẳng, với các thiết kế ý tưởng xuất hiện trong một số phiên bản của Chengdu J-20 và các dự án phái sinh khác. Trung Quốc có thể đưa vòi phun phẳng vào các biến thể trong tương lai hoặc trong các chương trình máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo, chẳng hạn như máy bay J-35 hay máy bay tàng hình thế hệ thứ sáu của nước này.
Quang Hưng