Nâng tốc độ giới hạn cao tốc 80 km/h lên 90 km/h từ 2024
Trước vấn đề nhiều Đại biểu quốc hội quan tâm liên quan đường cao tốc chỉ cho phép tốc độ tối đa là 80km/h, chưa giảm thiểu tối ưu vận tải và thời gian lưu thông, tại phiên chất vấn thứ 2 của Quốc hội chiều 6/11, Bộ trưởng GTVT cho biết, hiện nay, chúng ta có các giới hạn tốc độ. Cao nhất là 120km/h, tiếp đó là 100km/h, 80km/h và thấp nhất là 60km/h. Các tiêu chuẩn này phụ thuộc vào yếu tố kỹ thuật. Nếu đầu tư đồng bộ hoàn chỉnh như tuyến Hạ Long - Móng Cái thì có thể chạy tới 120km/h.
Hay như cùng một tuyến, Pháp Vân - Cầu Giẽ là 100km/h nhưng Cầu Giẽ - Ninh Bình là 120km/h. Lý do đơn giản là chỉ cần thêm yếu tố có độ nhám thì từ 100km/h có thể nâng lên 120km/h.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết: "Ngay từ đầu năm 2023, chúng tôi đã nghiên cứu rà soát lại xem tiêu chuẩn cao tốc đã phù hợp thực tế chưa. Vừa qua, các cơ quan đã nghiên cứu và nhận thấy với các tuyến quy định 80km/h thì có thể nâng lên 90km/h nhưng các dải tốc độ lớn hơn thì vẫn phải tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn".
Theo tư lệnh ngành GTVT, bộ đang điều chỉnh lại tiêu chuẩn, quy chuẩn cao tốc. Dự kiến trong quý I/2024 sẽ thay đổi tốc độ một số tuyến cao tốc từ 80km/h lên 90km/h.
Đề xuất không cải tạo lắp đặt giường nằm loại 2 tầng lên xe chở người
Bộ GTVT hiện đang lấy ý kiến Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới (XCG), xe máy chuyên dùng, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và xe đạp điện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu.
Dự thảo có nhiều điểm mới sau khi Thông tư 85/2014 được ban hành gần 10 năm. Vì vậy, các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp có thể góp ý dự thảo trước ngày 7/11.
Theo đó, dự thảo này không cho phép cải tạo thùng xe đối với xe tải nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp mới, chưa qua sử dụng trong thời gian 6 tháng, kể từ ngày cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định lần đầu đến khi thẩm định thiết kế (trừ trường hợp cải tạo thành xe đào tạo lái xe; cải tạo lắp đặt thêm mui phủ của xe tải thùng hở)".
Bên cạnh đó, tại dự thảo này cũng đề nghị quy định không cải tạo lắp đặt giường nằm loại hai tầng lên xe chở người, trừ trường hợp cải tạo từ ô tô nguyên thủy là ô tô khách có giường nằm.
Bởi khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông của xe cơ giới sau cải tạo phải bảo đảm không vượt quá giá trị khối lượng toàn bộ theo thiết kế của xe nguyên thủy và quy định về tải trọng cầu đường.
Đặc biệt, dự thảo này cũng đề xuất quy định trong suốt quá trình sử dụng, xe cơ giới chỉ được cải tạo, thay đổi một trong hai tổng thành chính là động cơ hoặc khung.
Trong trường hợp xe cơ giới đã cải tạo thành xe cho người khuyết tật điều khiển, chỉ được cải tạo trở lại xe nguyên thủy.
Trường hợp lắp đặt thêm giá nóc của ô tô con, dự thảo yêu cầu tuân thủ khuyến cáo và hướng dẫn của nhà sản xuất mà không làm thay đổi chiều rộng toàn bộ của xe.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bãi bỏ một số quy định gồm: Không cải tạo tăng kích thước lòng thùng xe của xe tải, thể tích xi téc của xe xi téc. Khi cải tạo lắp thêm mui phủ lên xe tải thùng hở không có mui phủ thì không được tăng chiều cao của thành thùng xe. Không được tăng kích thước lòng thùng xe, thể tích xi téc đối với xe tải, xe xi téc đã cải tạo thành xe loại khác khi cải tạo trở lại loại xe nguyên thủy.
Hơn 92.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng thuộc các dự án BOT, BT giao thông
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, nhu cầu và khối lượng vốn cần cho các dự án về cơ sở hạ tầng giao thông hiện nay là rất lớn và với kỳ hạn dài. Trong khi đó, tính chất nguồn vốn của hệ thống tổ chức tín dụng là nguồn vốn huy động ngắn hạn nên việc cho vay với khối lượng lớn và dài hạn cũng bị ràng buộc. Bởi tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng vừa qua cho thấy, nếu huy động bằng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn có thể dẫn tới rủi ro và hệ lụy cho ngân hàng.
"Tính đến ngày 30/9, có 22 tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, tổng dư nợ 92.319 tỷ đồng", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông tin.
Tuy nhiên, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, điều đáng chú ý là trong tổng dư nợ 92.319 tỷ đồng, nợ xấu chiếm 3,83%, còn nợ nhóm 2 chiếm đến 26,52%. Nợ nhóm 2 là nhóm nợ sát với nợ nhóm 3 - nợ xấu. Nguyên nhân chủ yếu là các phương án tài chính của các dự án thường không đúng như với phương án tài chính xây dựng ban đầu.
"Do vậy, chính sách huy động vốn cũng cần phải huy động nhiều nguồn lực tài chính khác, kể cả là trong nước và nước ngoài", bà Hồng cho hay.
Thành Đô (tổng hợp)