Vào cuối năm 2021, UBND tỉnh Nghệ An đã có Văn bản 9957/UBND-NN, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, cập nhật tình hình và làm việc với các sở, ngành liên quan để hoàn thiện hồ sơ thủ tục và triển khai thực hiện hạng mục Bia tưởng niệm Cống Hiệp Hòa thuộc gói thầu KC1-Hợp phần 1-Dự án JICA2.
Tuy nhiên, sau đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Văn bản số 3671/SNN-QLXD về việc dừng thực hiện xây dựng công trình này vì việc thực hiện hạng mục Bia tưởng niệm Cống Hiệp Hòa chưa phù hợp với nguyên tắc cơ bản trong quản lý nhà nước về vốn, không phù hợp với mục tiêu tổng quát của dự án.
Ông Lê Văn Lương, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An đưa ý kiến việc Tỉnh đoàn sẵn sàng nhận nhiệm vụ và sẽ phối hợp với huyện Đô Lương để xây dựng công trình có ý nghĩa này. Tuy nhiên, xét về chức năng, nhiệm vụ thì việc giao cho huyện Đô Lương làm chủ đầu tư sẽ phù hợp hơn vì còn liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, quản lý dự án...
Phát biểu tại cuộc họp, ông Bùi Duy Đông, Bí thư Huyện ủy Đô Lương, nhận định, việc xây dựng Bia chứng tích Cống Hiệp Hòa là cần thiết, đáp ứng mong mỏi nhiều năm của người thân những người đã khuất, của xã hội. Ông Long cũng khẳng định, huyện Đô Lương sẽ sẵn sàng nhận nhiệm vụ làm chủ đầu tư nếu được giao. Huyện sẽ quyết tâm giải phóng mặt bằng, và khởi công thực hiện trong quý IV/2023.
Bên cạnh đó, ông Bùi Duy Đông cũng đề xuất với Phó Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, mở rộng quy mô công trình thành Đài tưởng niệm, trong đó, có Bia chứng tích và Đài hương để tưởng niệm 98 người đã tử nạn. Nguồn vốn để xây dựng công trình là từ nguồn ngân sách, xã hội hóa và huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
Theo Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long, Bia tưởng niệm Cống Hiệp Hòa là công trình có ý nghĩa rất lớn để tưởng nhớ công ơn của những người đã tử nạn trong quá trình xây dựng công trình thủy lợi này. Điều này cũng đáp ứng nguyện vọng của thân nhân những người tử nạn và phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam.
Theo Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long, Bia tưởng niệm Cống Hiệp Hòa là công trình có ý nghĩa rất lớn để tưởng nhớ công ơn của những người đã tử nạn trong quá trình xây dựng công trình thủy lợi này. Điều này cũng đáp ứng nguyện vọng của thân nhân những người tử nạn và phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam.
Vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết, sắp tới sẽ báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phương án giao cho UBND huyện Đô Lương làm chủ đầu tư thực hiện Dự án xây dựng Bia tưởng niệm Cống Hiệp Hòa.
Ngày 3/1/1978, trên công trường cải tạo cống Hiệp Hòa (Hòa Sơn, Đô Lương, Nghệ An), một vụ tai nạn kinh hoàng đã xảy ra vùi lấp 98 thanh niên đang làm nhiệm vụ xây dựng công trường để phục vụ nguồn nước về xuôi. Thời điểm này, đất nước vừa thống nhất, phong trào 3 sẵn sàng ở thời chiến chuyển sang phong trào xây dựng quê hương đất nước. Tỉnh có chủ trương huy động lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia đào đắp kênh mương, hoàn chỉnh hệ thống thủy nông. Ngày 26/3/1976, Tổng đội Thanh Chương ra đời với khoảng 2.200 đoàn viên thanh niên (còn gọi là lực lượng 202). Sau khi hoàn thành một số công trình, Tổng đội Thanh Chương được điều lên Đô Lương tham gia vào việc cải tạo lại cống Hiệp Hòa. Cống Hiệp Hòa nằm trên hệ thống nông giang dẫn nước từ Bara Đô Lương tưới tiêu cho cánh đồng các huyện Đô Lương - Diễn Châu - Yên Thành - Quỳnh Lưu. Lúc bấy giờ cống này có 3 ống dài khoảng 50m, được san phẳng có đường phía trên để qua lại. Vì xây dựng từ thời Pháp thuộc nên đường dẫn nước của nó đã bị hạn chế, buộc phải mở rộng nhằm tăng lưu lượng nước chảy. Đúng 11h55 ngày 3/1/1978 (tức ngày 24/11 Đinh Tỵ), khi toàn bộ công trường đang chuẩn bị đến giờ nghỉ ca, thì hàng ngàn mét khối đất đá được đổ tạm trên mái núi đã đổ ập xuống, 98 thanh niên đã bị vùi lấp hoàn toàn, 132 người khác bị thương. |
Phan Huy