Ngày 31/12, theo tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, bệnh viện này đã hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai lần đầu tiên thực hiện thành công ca ghép thận từ người hiến chết não.
Trước đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai đã thành công trong việc vận động gia đình người phụ nữ dân tộc Tày - mẹ của bốn con nhỏ, hiến tạng sau khi cô gặp một tai nạn lao động nghiêm trọng và không qua khỏi. Trong nỗi đau mất mát lớn lao, gia đình người phụ nữ này đã quyết định dũng cảm hiến tạng của người thân, mang lại cơ hội sống cho những bệnh nhân đang cận kề cái chết.
Ngay khi nhận được thông tin, đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai đã phối hợp cùng Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức vận chuyển bệnh nhân đến Hà Nội.
Bên trong phòng mổ ở Trung tâm Gây mê và hồi sức ngoại khoa (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), một cô gái trẻ - là con gái lớn của bệnh nhân đeo khẩu trang, khoác trên mình tấm áo vàng của người nhà bệnh nhân ngồi lặng lẽ bên giường bệnh.
Dù là chị cả đã rất cố gắng mạnh mẽ nhưng giây phút này cô gái trẻ cũng đã suy sụp, gục ngã. Vừa vòng tay ôm rồi gục đầu cạnh giường bệnh, cô gái trẻ nghẹn ngào khóc nấc, "Mẹ bảo đợi con đi lấy chồng nữa mà mẹ".
Sự ra đi đột ngột của người mẹ khiến cô gái như mất đi chỗ dựa, từ nay người chị cả sẽ phải thay phần mẹ để gánh vác gia đình và lo cho các em thơ dại. Những giọt nước mắt lăn dài trên má cô gái trẻ cũng những tiếng thủ thỉ tâm tình lần cuối bên mẹ đã khiến nhiều người xúc động rưng rưng.
Trước giây phút cuối thực hiện cuộc phẫu thuật hiến tạng, cô gái đã cầm điện thoại gọi điện về cho 2 em ở quê nhà Lào Cai để người thân được nhìn mặt mẹ, từ biệt mẹ lần cuối.
Dù mẹ đã rời đi, sống tiếp trong hình hài khác nhưng tình yêu của người mẹ vẫn ôm trọn và luôn hướng về các con.
Theo thông tin trên báo Vietnamnet, Các chuyên gia hàng đầu của Việt Đức đã hướng dẫn ê-kíp bác sĩ Lào Cai các bước tiến hành đánh giá chết não, hồi sức bệnh nhân và thực hiện lấy tạng ngay tại Hà Nội. Một trái tim, một lá gan và một quả thận đã được ghép thành công cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Quả thận còn lại, như một sứ mệnh tiếp nối, được vận chuyển xuyên đêm về Lào Cai, tạo nên tiền đề cho ca ghép thận lịch sử tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Dưới sự hướng dẫn tận tình và hỗ trợ chuyên sâu từ các chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đội ngũ y bác sĩ tại Lào Cai tiếp cận kỹ thuật đánh giá tình trạng chết não và thực hiện thành công ca ghép thận cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối.
Đây là ca ghép tạng đầu tiên tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai. Thành công này không chỉ cứu sống con người mà còn thắp sáng niềm hi vọng cho hàng trăm bệnh nhân khác tại địa phương đang chờ đợi phép màu y học.
Mới đây, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ lấy ngày 20/5 hằng năm là Ngày Hiến tạng quốc gia, nhằm tôn vinh nghĩa cử cứu người, đồng thời kêu gọi cộng đồng hiến tặng mô, tạng sau khi chết não.
Theo Bộ Y tế, đã 32 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, đến nay, ngành Y tế Việt Nam đã làm chủ các kỹ thuật ghép tạng, tiệm cận thế giới với tỷ lệ sống cao, chi phí phù hợp. Trung bình mỗi năm, ngành thực hiện hơn 1.000 ca ghép tạng.
Tuy nhiên hiện nay, vấn đề khan hiếm nguồn tạng hiến đã gây trở ngại trong công tác này. Số lượng tạng hiến chủ yếu là từ người cho sống. Năm 2024, ngành ghi nhận có 39 người chết não hiến tạng - con số cao nhất từ trước đến nay song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và vẫn còn nhiều người bệnh không có tạng để ghép.
Trước khó khăn đó, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ lấy ngày 20-5 là Ngày Hiến tạng quốc gia.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, lấy, hiến xác phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, yêu cầu Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia triển khai hoạt động điều phối tạng, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng.
Nam An (t/h)