Hãng tin Reuters dẫn lời hai nguồn tin cấp cao trong chính phủ Ukraine cho biết, một tên lửa đạn đạo loại mới được Nga bắn vào thành phố Dnipro của Ukraine hồi tuần trước mang theo nhiều đầu đạn nhưng không có thuốc nổ và chỉ gây ra thiệt hại ở quy mô nhỏ.
Reuters nhận định, thông tin này phù hợp với tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin về việc Nga bắn tên lửa siêu vượt âm hoàn toàn mới có tên Oreshnik vào Ukraine hôm 21/11. Ông Putin nói đây là lời cảnh báo với phương Tây sau khi Mỹ và Anh cho phép Ukraine bắn tên lửa tầm xa do những nước này sản xuất vào sâu trong lãnh thổ Nga.
Hai nguồn tin đã cung cấp thêm thông tin chi tiết về tên lửa mới của Nga trong bối cảnh các chuyên gia phương Tây đang cố gắng tìm hiểu về loại vũ khí mà các quan chức Mỹ cho là tên lửa tầm trung đang được thử nghiệm của Nga.
Một trong những nguồn tin cho biết tên lửa này của Nga mang theo đầu đạn giả, đồng thời mô tả thiệt hại gây ra là "khá nhỏ".
Nguồn tin thứ hai cho biết: "Trong trường hợp này, [tên lửa] không có thuốc nổ... Không có kiểu vụ nổ như chúng tôi dự đoán. Có một thứ gì đó [nổ], nhưng không quá lớn."
Trong khi đó, theo các chuyên gia, tên lửa đạn đạo tầm trung thường được sử dụng trong các cuộc tấn công hạt nhân tầm xa, nhắm vào các mục tiêu cách xa hàng nghìn kilomet.
Tổng thống Putin hôm 21/11 nói cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik là một cuộc thử nghiệm thành công và đã bắn trúng mục tiêu là một doanh nghiệp quốc phòng sản xuất tên lửa tại thành phố Dnipro của Ukraine.
Theo Reuters, kể từ khi xung đột với Nga bùng phát vào tháng 2/2022, Ukraine hiếm khi tiết lộ thông tin về các cuộc không kích của Nga nhắm vào các mục tiêu quân sự của nước này.
Ông Putin cũng cho biết Nga sẽ tiếp tục thử nghiệm Oreshnik trong chiến đấu và đã có sẵn một kho tên lửa để sử dụng.
Trong khi đó, Ukraine cho biết nước này đã và đang nỗ lực phát triển các hệ thống phòng không để chống lại loại vũ khí này.
Các quan chức Mỹ thì cho rằng Nga có thể chỉ sở hữu một số ít tên lửa Oreshnik mà các chuyên gia phương Tây cho rằng có vẻ như được phát triển từ tên lửa đạn đạo tầm trung RS-26.
Theo các chuyên gia, việc loại bỏ thuốc nổ trong "phương tiện tái nhập" (RV, có vai trò đưa đầu đạn đi tới mục tiêu đã định) sẽ tạo khoảng trống để lắp đặt thiết bị đo lường, vì "phương tiện tái nhập" là bộ phận được che chắn nhiệt của tên lửa mang đầu đạn. Từ đó, các quốc gia thử nghiệm thiết kế tên lửa có thể đo lường hiệu suất của tên lửa.
Theo Reuters, không có thông tin về việc đầu đạn của Nga có mang theo thiết bị đo lường như vậy hay không.
Các chuyên gia cho biết, tên lửa đạn đạo tầm trung RS-26 có tầm bắn hơn 5.000 km, nhưng tên lửa tấn công thành phố Dnipro của Ukraine từ vùng Astrakhan của Nga chỉ bay khoảng 700 km.
"Tôi cho rằng đây là cách cực kỳ tốn kém để phóng một thứ có lẽ không gây ra nhiều sự hủy diệt như vậy", Jeffrey Lewis - giám đốc Chương trình Không phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở California (Mỹ) - nhận định.
Hữu Hiển