Theo BHXH Việt Nam, Luật BHXH số 41 được thông qua ngày 29/6/2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 (gọi tắt là Luật BHXH năm 2024) quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu, tham gia đóng BHXH đủ 15 năm thì đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Tại Khoản 2 Điều 36 Luật BHXH năm 2024 quy định người tham gia BHXH tự nguyện được đóng BHXH tự nguyện một lần cho nhiều năm về sau và một lần cho thời gian đóng BHXH còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Theo Khoản 4 Điều 36 Luật BHXH năm 2024, Chính phủ quy định chi tiết nội dung trên để thực hiện. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, Chính phủ chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung này nên BHXH Việt Nam chưa có căn cứ để thực hiện.
Theo quy định hiện hành (áp dụng theo Luật BHXH năm 2014), cụ thể, căn cứ khoản 4 Điều 2 Luật BHXH năm 2014, người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Theo đó, người trên 60 tuổi không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc hoàn toàn có thể đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu.
Người tham gia BHXH tự nguyện được đóng BHXH tự nguyện một lần cho nhiều năm về sau nhưng tối đa là 5 năm.
Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP đã liệt kê 06 phương thức đóng BHXH tự nguyện mà người tham gia có thể lựa chọn:
1 - Đóng hàng tháng;
2 - Đóng 3 tháng/lần;
3 - Đóng 6 tháng/lần;
4 - Đóng 12 tháng/lần;
5 - Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;
6 - Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người đã đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm.
Về mức đóng, BHXH Việt Nam cho biết được quy định tại Khoản 1 Điều 36 Luật BHXH năm 2024.
Theo đó, mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện.
BHXH Việt Nam hướng dẫn, người 61 tuổi có thể lựa chọn mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện trong khoảng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.