Bữa sáng quan trọng với sức khỏe
Bữa sáng giúp bổ sung năng lượng cho cơ thể sau 8-10 tiếng dạ dày trống rỗng, giúp nam giới hoạt động trong ngày hiệu quả hơn. Theo chuyên gia nghiên cứu về tuổi thọ Dan Buettner, người đặt ra khái niệm “Vùng Xanh” - nơi người dân có tuổi thọ cao, bữa sáng là bữa quan trọng nhất trong ngày, giúp cung cấp năng lượng hoạt động suốt nhiều giờ đồng hồ. Chính vì vậy bạn nên bắt đầu ngày mới với những thực phẩm lành mạnh.
Dan Buettner cho biết ở các vùng sống thọ nhất thế giới, bữa sáng là ưu tiên hàng đầu, đúng như câu nói “bữa sáng ăn như vua”. “Người dân Vùng Xanh tránh các đồ ăn nhiều đường như bánh ngọt, sữa chua và ngũ cốc vào bữa sáng. Thay vào đó, họ ăn những thực phẩm lành mạnh như đậu, rau, trái cây, yến mạch…”, chuyên gia Buettner nói.
Chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Marcie Vaske nhận định việc bỏ bữa sáng khiến cả ngày của bạn mệt mỏi và uể oải, khó tập trung và hoạt động kém hiệu quả. Các nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa việc bỏ bữa sáng với chất lượng giấc ngủ và tâm trạng. Một nghiên cứu năm 2023 ở sinh viên đại học đã phát hiện ra không ăn sáng ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ và làm tăng các triệu chứng trầm cảm.
Trong khi đó một nghiên cứu quy mô nhỏ với thanh niên ở độ tuổi 20 cho thấy tần suất ăn sáng có liên quan đến những thay đổi về chất lượng giấc ngủ, tâm trạng và thậm chí cả thói quen ăn uống. Nghiên cứu kết luận những người ăn sáng thường xuyên có “chất lượng giấc ngủ, tâm trạng tốt hơn khi thức dậy và sự tỉnh táo khi thức dậy so với những người bỏ bữa sáng”.
Bỏ bữa sáng gây hại như thế nào?
Theo một nghiên cứu trên 30.000 người trưởng thành, những người bỏ bữa sáng thường không nạp đủ canxi, vitamin C và chất xơ cơ thể cần hàng ngày. Sau một đêm, nồng độ axit trong dạ dày tăng lên, dạ dày co bóp tiết ra dịch vị nhưng không có thức ăn tiêu hóa, có thể gây viêm loét dạ dày.
Việc nhịn ăn sáng làm cơ thể mệt mỏi, khó tập trung dẫn đến tâm trạng uể oải, chóng mặt. Thói quen này được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, sỏi túi mật, gây tụt huyết áp và đường huyết quá mức đặc biệt ở người cao tuổi, làm chậm tốc độ trao đổi chất…
Một đánh giá năm 2018 từ nhiều nghiên cứu cho thấy bỏ bữa sáng còn khiến tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Các nhà nghiên cứu Đức phát hiện rằng bỏ bữa sáng chỉ một ngày trong tuần có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 6% và nếu bỏ đến 4-5 ngày/tuần thì nguy cơ mắc tiểu đường cao hơn 55%.
Khi ăn sáng, quá trình trao đổi chất của cơ thể sẽ khởi động và sử dụng đường làm năng lượng, khi đó tuyến tụy sẽ tiết ra hormone insulin giúp điều hòa đường huyết. Bệnh nhân tiểu đường không ăn sáng còn khiến lượng đường trong máu cả ngày cao hơn mức bình thường.
Theo nghiên cứu trước đây, bỏ bữa sáng còn liên quan đến việc tăng mức cholesterol và viêm trong máu, có thể khiến cơ thể kháng insulin nhiều hơn và làm mất khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu.
Bỏ bữa có thể nguy hiểm về lâu dài, thậm chí đến mức gây hại cho tim của bạn và nhiều nghiên cứu đã chứng minh điều này. Một phân tích tổng hợp năm 2019 trên Tạp chí Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy, bỏ bữa sáng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim, khiến cholesterol “xấu” tăng cao - yếu tố gây đau tim và nguy cơ đột quỵ.
Bên cạnh đó, người không ăn bữa sáng có xu hướng ăn nhiều hơn ở các bữa tiếp theo, khó kiểm soát cân nặng và tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. Vậy nên ăn bữa sáng với một lượng vừa đủ, cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng góp phần nâng cao sức khỏe tổng thể và kéo dài tuổi thọ.
Kim Linh