Mới đây, trong chương trình “Cuộc sống khỏe mạnh”, bác sĩ chuyên khoa thận Giang Thủ Sơn, làm việc ở bệnh viện Tân Quang, Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) cho biết gần đây có một bệnh nhân nam 36 tuổi đã phải nhập viện để chạy thận.
Bác sĩ Giang Thủ Sơn chia sẻ, bệnh nhân có tiền sử bị suy thận độ 3, đang điều trị duy trì chức năng thận ổn định. Gần đây, người đàn ông thường xuyên bị đau khớp gối nhưng anh không đi khám mà tự ý sử dụng thuốc giảm đau tại nhà. Sau đó, người đàn ông lại lo lắng thuốc giảm đau gây hại cho thận nên bệnh nhân đã uống thêm 3 cốc nước ép cần tây/ngày với mong muốn “giải độc” cho thận.
Kết quả sau vài ngày dùng thuốc giảm đau và nước ép cần tây, người đàn ông thường xuyên bị đau bụng và cảm thấy cơ thể mệt mỏi, suy nhược hơn so với bình thường nên đã đến viện khám. Bác sĩ Giang Thủ Sơn cho biết bệnh nhân bị tăng kali máu, chức năng thận suy giảm nghiêm trọng. Bác sĩ Giang chỉ định người đàn ông nhập viện để điều trị và chạy thận. Tình trạng của bệnh nhân sau đó đã dần ổn định.
Bác sĩ chỉ ra 2 sai lầm gây hại thận
Bác sĩ Giang Thủ Sơn cho biết sai lầm đầu tiên của bệnh nhân là tự ý sử dụng thuốc giảm đau tại nhà.
“Bệnh nhân vốn dĩ đã bị suy thận nhưng lại tự ý sử dụng thuốc giảm đau trong nhiều ngày để điều trị tình trạng đau đầu gối. Rất có thể trong quá trình sử dụng, bệnh nhân đã dùng quá liều thuốc giảm đau. Điều này có thể làm tăng gánh nặng cho thận, khiến chức năng thận bị suy giảm và tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn”, bác sĩ Giang nói.
Sai lầm thứ hai của bệnh nhân là sử dụng nước ép cần tây sai cách. Bác sĩ Giang cho biết cần tây là loại thực phẩm lành mạnh, chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, mỗi ngày, bệnh nhân lại uống 3 cốc nước ép cần tây để “giải độc” cho thận. Cần tây là loại thực phẩm chứa nhiều kali. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, trong 1 cốc nước ép cần tây có chứa 670mg kali, tương đương với 19-25% lượng khuyến nghị ăn hàng ngày.
Bác sĩ Giang giải thích rằng, với người bị suy thận, chức năng lọc máu sẽ bị suy giảm, gây ảnh hưởng tới khả năng loại bỏ natri, kali và phốt pho dư thừa ra khỏi cơ thể. Do đó, người mắc bệnh thận cần ăn kiểm soát lượng natri, protein, kali và phốt pho nạp vào cơ thể.
Bác sĩ Giang cho rằng việc bệnh nhân tiêu thụ các thực phẩm giàu kali như nước ép cần tây trong nhiều ngày cũng có thể làm gia tăng gánh nặng cho thận và làm trầm trọng thêm tình trạng của bệnh.
Thông qua trường hợp của bệnh nhân nam kể trên, bác sĩ Giang khuyến cáo bệnh nhân mắc bệnh thận nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia, bác sĩ có chuyên môn trước khi sử dụng các loại thuốc giảm đau hoặc thêm các loại thực phẩm mới vào chế độ ăn. Điều này có thể giúp mọi người hạn chế nguy cơ bệnh tiến triển nặng.