Cùng với dạ dày, gan cũng là cơ quan phải “chịu trận” nhanh nhất và nhiều nhất bởi chế độ ăn uống không lành mạnh. Nhưng nếu nói về những kiểu ăn uống hại gan, hầu hết mọi người đều nghĩ ngay tới uống nhiều rượu bia, ăn quá nhiều đồ dầu mỡ hay thịt nướng… Trong khi đó, một số loại rau củ cũng có thể gây hại cho sức khỏe nói chung và gan nói riêng, thậm chí gây ung thư gan và nhiều bệnh khác. Đặc biệt, có 5 loại được mệnh danh là “vua thối gan” như:
1. Giá đỗ không rễ
Mặc dù giá đỗ không rễ trông trắng nõn, bụ bẫm và rất ngon, thậm chí giá rẻ hơn nhưng không tốt cho sức khỏe. Loại giá đỗ này thường được trồng bằng cách ngâm trong nước, sử dụng thuốc kích thích để tăng trưởng nhanh hoặc hóa châm ngâm tẩy để có vẻ ngoài bắt mắt.
Vì vậy, chúng sẽ hấp thụ chất hại và xâm nhập vào cơ thể khi ăn. Chưa kể, quá trình kích thích hóa học quá mức có thể gây biến đổi tế bào. Nếu ăn vào sẽ gây ngộ độc hoặc về lâu dài khiến cơ thể tích tụ chất độc, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Trong đó, gan phải làm việc quá sức và tổn thương, tăng nguy cơ mắc ung thư.
2. Rau họ đậu nấu chưa chín kỹ
Rau họ đậu rất tốt cho sức khỏe, nhưng nếu nấu chưa chín kỹ, chúng có thể trở nên độc hại do chứa phytohemagglutinin, glycosid và chất ức chế protease, gây tổn hại gan, dạ dày. Đặc biệt, đậu thận chưa chín kỹ được gọi là “vua thối gan” vì chứa saponin và lectin - các chất có thể làm tổn thương gan, lâu dài dẫn đến bệnh gan.
Thực phẩm họ đậu nấu chưa chín cũng dễ gây ngộ độc với triệu chứng như chướng bụng, tiêu chảy, chóng mặt, hoặc nặng hơn là tê bì chân tay và các vấn đề thần kinh. Để bảo vệ sức khỏe, hãy nấu chín kỹ trước khi ăn nhé!
3. Mộc nhĩ ngâm quá lâu
Mộc nhĩ khô không độc, nhưng nếu ngâm quá lâu, nhất là trên 8 tiếng hoặc để qua đêm vi khuẩn dễ phát triển, tạo ra chất độc BKA và aflatoxin - gây ung thư gan, tổn thương thận, và làm suy giảm hệ miễn dịch. Những độc tố này khó bị phân hủy ngay cả khi nấu chín, có thể gây ngộ độc với triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nôn mửa. Nặng hơn, độc tố có thể dẫn đến suy gan, suy thận và suy hô hấp, với tỷ lệ tử vong cao do chưa có thuốc giải độc đặc hiệu.
Để an toàn, chỉ nên ngâm mộc nhĩ trong nước ấm hoặc lạnh từ 15 - 20 phút. Ngoài ra, không nên ăn mộc nhĩ tươi vì chứa morpholine, dễ gây ngứa, phù nề, dị ứng nặng, thậm chí tổn thương da nghiêm trọng.
4. Cà chua xanh, chín chưa kỹ
Cà chua chín rất bổ dưỡng, nhưng cà chua xanh hay ương lại chứa solanine - một chất độc ảnh hưởng xấu đến gan và dạ dày. Gan phải phân hủy độc tố, trong khi dạ dày xử lý tiêu hóa, lâu dài dễ dẫn đến suy giảm chức năng gan hoặc bệnh gan, bao gồm ung thư gan.
Ăn cà chua xanh cũng dễ gây ngộ độc, với triệu chứng như buồn nôn, mệt mỏi, tiết nước bọt, hoặc nặng hơn là nguy hiểm tính mạng nếu ăn nhiều hoặc thường xuyên. Độc tố này biến mất khi cà chua chín đỏ, nên chỉ sử dụng cà chua đã chín kỹ, dù ăn sống hay chế biến với nhiệt.
5. Rau củ muối xổi, muối quá kỹ
Rau củ muối xổi tuy ngon miệng nhưng quá trình lên men chưa hoàn thiện dễ khiến nitrit còn tồn đọng. Chất này khi vào dạ dày có thể tạo thành nitrosamine - hợp chất gây hại gan, dạ dày và làm tăng nguy cơ ung thư. Ngoài ra, rau củ muối xổi còn chứa vi khuẩn chưa bị tiêu diệt, dễ gây rối loạn tiêu hóa hoặc ngộ độc khi ăn.
Ngược lại, rau củ muối quá kỹ lại chứa hàm lượng muối cao, làm tăng gánh nặng cho thận, gây tích nước, cao huyết áp, và lâu dài ảnh hưởng đến tim mạch. Nhất là nếu đã có váng hay dấu hiệu hư hại thì có thể đã biến chất. Vì vậy, chỉ nên ăn rau củ muối vừa đủ độ chua, hạn chế lượng muối, không dùng quá thường xuyên để bảo vệ sức khỏe.
Nguồn và ảnh: NetEase Health, QQ
Ngọc Ái