Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Lý Nam lớn lên cùng bà ngoại ở 1 vùng quê nghèo tại Trung Quốc. Sau khi bà mất, chàng trai này bỏ học khi chưa hoàn thành chương trình cấp 2. Do không có người giao dục, định hướng tương lai, cậu lầm đường lạc lối và bị người xấu dụ dỗ. Năm 18 tuổi, chàng trai này đã bị cảnh sát bắt giữ vì tội cướp giật tài sản.
Sau 2 năm cải tạo trong tù, Lý Nam vẫn chứng nào tật nấy, không chịu đi làm nhưng lại tiêu xài vô cùng hoang phí. Do không có tiền để thỏa mãn nhu cầu, anh nghĩ ra đủ chiêu thức lừa đảo tinh vi.
Năm 2022, Lý Nam sử dụng thông tin cá nhân của mình để đăng ký mua sắm trên sàn thương mại điện tử. Do phát hiện các shipper khu vực thường chỉ xem thông báo chuyển khoản thành công trên điện thoại của khách mà không kiểm tra tài khoản của mình đã nhận được tiền hay không. Từ đây, chàng trai này nảy ra ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng cách làm giả hình ảnh xác nhận chuyển khoản thành công trên 1 ứng dụng online.
Anh bắt đầu chiêu trò bằng việc đặt hàng loạt đơn hàng. Mỗi lần đặt, người này sẽ gom cùng lúc khoảng 5-9 món tại cùng 1 cửa hàng và không thanh toán trước. Sau đó, Lý Nam sẽ theo dõi lộ trình gửi hàng và biết được ngày dự kiến giao hàng. Dựa vào thông tin đơn hàng, anh nắm được tổng số tiền cần phải thanh toán và tiến hành làm giả hình ảnh chuyển tiền thành công với nội dung tương ứng.
Khi nhận được cuộc gọi giao hàng của shipper, Lý Nam không trực tiếp lấy hàng mà thường yêu cầu đặt vào kệ của cư dân nằm ở tầng 1 của chung cư. Sau đó, anh xin số tài khoản để vờ như thực hiện thao tác chuyển khoản và gửi lại hình ảnh chuyển khoản thành công cho shipper. Vì vội giao các đơn hàng, người này cũng chỉ mở xem hình ảnh chuyển thành thành công mà tuyệt nhiên không kiểm tra tài khoản đã nhận được tiền chưa.
Nhận thấy chiêu thức này dễ dàng, Lý Nam tiếp tục đặt hàng loạt đơn hàng và thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền. Thậm chí, để xóa sạch dấu vết, nam thanh niên thường mua rất nhiều sim điện thoại để thay đổi thông tin và nhằm ngắt kết nối với shipper sau khi đã nhận được hàng.
Với chiêu thức này, chỉ trong vòng 1 tháng, Lý Nam đã mua tổng cộng 50 đơn hàng và chiếm đoạt số tiền lên đến 50.000 NDT (khoảng 175 triệu đồng).
Phải cho đến cuối ngày, sau khi trở về nhà, những shipper này mới phát hiện chưa nhận được khoản tiền Lý Nam chuyển khoản. Họ liền liên hệ lại cho khách hàng theo số điện thoại đã giao hàng thì không được. Bởi sau mỗi lần đặt đơn hàng mới, Lý Nam sẽ thay 1 số điện thoại nhằm ngắt kết.
Đến đây, các shipper này phát hiện mình đã bị lừa nên đã đến đồn cảnh sát địa phương để trình báo. Nhận thấy vụ việc vô cùng phức tạp và liên quan đến nhiều người, cảnh sát địa phương đã mở cuộc điều tra.
Sau khoảng 2 tuần theo dõi và truy tìm, cảnh sát bắt giữ được Lý Nam. Tại đồn cảnh sát, nam thanh niên này khai nhận toàn bộ hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của mình.
Liên quan đến thủ đoạn làm giả biên lai chuyển khoản, cảnh sát địa phương khuyến cáo người dân cần lưu ý hoá đơn chuyển khoản, không giao giao dịch với bất kỳ ai khi chưa nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng, kể cả khi kẻ gian cung cấp hình ảnh đã chuyển khoản thành công.
Cảnh sát địa phương cũng cảnh báo, với hệ thống công nghệ của các ngân hàng, khách hàng sẽ nhận được thông báo có tiền trong tài khoản ngay khi thực hiện chuyển khoản 24/7. Người tham gia giao dịch nên chờ thông báo đã nhận được tiền từ ngân hàng thay vì chỉ tin tưởng vào ảnh chụp giao diện chuyển tiền thành công.
Cơ quan chức năng cũng lưu ý người dùng chỉ nên kiểm tra giao dịch trên ứng dụng ngân hàng đang sử dụng, khi không thấy biến động số dư, tuyệt đối không kích vào các đường link, hay gọi điện theo những số điện thoại do các đối tượng lạ cung cấp. Vì đây có thể là những đường link giả mạo để đánh cắp thông tin tài khoản, từ đó chiếm đoạt toàn bộ tiền của người dùng.
Đinh Anh (Theo Toutiao)