Năm 2012, anh Lý ở Bắc Kinh đến ngân hàng vay thế chấp 1 triệu NDT (hơn 3,5 tỷ đồng) để mua một căn nhà. Mỗi tháng, anh đều trả khoản lãi đầy đủ. Đúng kỳ hạn 10 năm sau đó, vào tháng 12 năm 2021, người đàn ông này đến ngân hàng để trả nợ thì được nhân viên cho biết: “Khoản vay của anh đã được người khác thanh toán hết. Hơn nữa, họ còn trả thừa 100.000 NDT tiền lãi”.
Nghe được tin này, anh Lý vô cùng hoang mang. Vì tò mò, người đàn ông này đã hỏi nhân viên ngân hàng về danh tính người đã đứng ra trả tiền cho mình. Tuy nhiên, phía ngân hàng từ chối tiết lộ vì lý do bảo mật thông tin khách hàng. Bù lại, họ khuyên anh Lý nên yêu tâm vì giao dịch “trả nợ thay” trên là hợp pháp và anh Lý đã hết nợ.
Dẫu vậy, anh Lý lại cho rằng phía ngân hàng phải có trách nhiệm nói cho mình biết sự thật nên đã kiện ngân hàng ra tòa để làm rõ sự việc. Trước toà, anh Lý cho rằng phía ngân hàng đã không thực hiện nghĩa vụ thông báo cho anh Lý về sự việc trên. Thay vào đó, họ lại đơn phương chấp nhận cho bên thứ ba trả nợ thay anh Lý, dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của anh bị xâm phạm.
Cụ thể, theo luật pháp Trung Quốc, Ngân hàng không có quyền chấp nhận bên thứ ba trả nợ thay cho chủ nhân khoản nợ. Theo các quy định có liên quan của Bộ luật Dân sự nước này, việc trả nợ thay phải nhận được sự đồng ý của bên vay. Việc chấp nhận sẽ được thực hiện dưới hình thức thông báo. Trong trường hợp này, anh Lý không ủy thác hay ủy quyền cho bất kỳ bên thứ ba nào thay mình trả nợ, cũng như không thương lượng với ngân hàng để thay đổi nội dung hợp đồng. Do đó, việc ngân hàng chấp nhận cho bên thứ ba trả nợ thay cho anh Lý mà không được sự đồng ý của anh Lý là hành vi thay đổi nội dung hợp đồng khi chưa được ủy quyền.
Sau khi xem xét vụ án, tòa cho rằng ngân hàng với tư cách là bên cho vay cần thực hiện đúng các nghĩa vụ của bên cho vay theo quy định của pháp luật. Việc ngân hàng tự ý để bên thứ ba trả nợ thay cho anh là vi phạm hợp đồng và quy định của pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của anh Lý. Trong trường hợp này, anh Lý có thể yêu cầu ngân hàng bồi thường thiệt hại về tinh thần. Bên cạnh đó, toà án cũng cho rằng ngân hàng với tư cách là người cho vay cần phải cung cấp cho anh Lý các thông tin liên quan đến khoản vay, bao gồm số tiền vay, lãi suất, thời hạn, hồ sơ giao dịch…
Cuối cùng, ngân hàng không những phải tiết lộ danh tính người đã trả nợ giúp cho anh Lý, mà còn phải bồi thường cho người đàn ông này 100.000 NDT ( hơn 356 triệu đồng) tổn thất về tinh thần.
Sau khi có được thông tin mà ngân hàng cung cấp, anh Lý sững sờ khi biết rằng người thay mặt anh trả khoản vay kia chính là người cha đã mất liên lạc nhiều năm. Theo đó, gia đình anh Lý từng gặp biến cố, cha con anh đã mất liên lạc sau đó. Mãi đến khi biết mình mắc bệnh nan y, cha của anh Lý đã dò hỏi thông tin của con trai để cố gắng bù đắp chuỗi ngày xa cách. Khi biết tin anh Lý có một khoản vay ngân hàng, ông liền dùng số tiền dành dụm được bấy lâu để giúp con trai trả nợ. Cha con anh Lý sau đó đã có những phút giây đoàn tụ đầy cảm động.
Ánh Lê (Theo Toutiao)