Từ lo lắng gia tăng, hệ miễn dịch suy yếu, đến các vấn đề sức khỏe dài hạn, giấc ngủ kém chất lượng mang lại nhiều hệ lụy khó lường. Điều này thường xuất hiện ở những người có thời gian ngủ ít, từ 6 tiếng/ngày trở xuống.
Lo lắng gia tăng: Vòng luẩn quẩn của giấc ngủ và tinh thần
Theo Tiến sĩ Sue Peacock, chuyên gia về giấc ngủ, giấc ngủ và sự lo lắng có mối quan hệ hai chiều phức tạp. Thiếu ngủ dễ làm tăng mức độ lo âu, trong khi lo lắng lại khiến bạn khó ngủ.
"Khi não ở trạng thái lo lắng, cơ thể chuyển sang chế độ 'chiến đấu hoặc bỏ chạy', khiến chúng ta liên tục nghĩ đến những tình huống xấu nhất. Điều này làm suy giảm khả năng đi vào giấc ngủ," Tiến sĩ Peacock giải thích.
Thêm vào đó, nỗi lo trước khi đi ngủ hoặc lo ngại về chính giấc ngủ có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ và mất ngủ. Đây là khởi đầu cho một vòng luẩn quẩn: lo lắng gây thiếu ngủ, và thiếu ngủ lại gia tăng lo lắng, khiến mọi thứ ngày càng tồi tệ.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thiếu ngủ làm giảm khả năng giữ vững tinh thần lạc quan trong các tình huống căng thẳng, khiến bạn dễ cảm thấy bất an hơn.
Hệ miễn dịch suy yếu: Cánh cửa mở cho bệnh tật
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ miễn dịch. Tiến sĩ Sue cho biết, trong khi ngủ, cơ thể sản sinh cytokine – những chất hóa học bảo vệ chống nhiễm trùng. Cytokine không chỉ giúp bạn chống lại virus và vi khuẩn mà còn hỗ trợ giấc ngủ sâu, giúp cơ thể hồi phục.
"Nếu không ngủ đủ, lượng cytokine sản sinh bị giảm đáng kể, khiến hệ miễn dịch yếu đi và cơ thể dễ mắc bệnh hơn," bà cho biết. Việc thiếu ngủ không chỉ khiến bạn dễ nhiễm bệnh mà còn kéo dài thời gian hồi phục.
Rối loạn nội tiết tố và kinh nguyệt
Đối với phụ nữ, thiếu ngủ có thể ảnh hưởng xấu đến hệ nội tiết, đặc biệt là hormone tuyến giáp. Tiến sĩ Katharina Lederle, một chuyên gia về giấc ngủ, cho biết, mức độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH) thường tăng lên khi thiếu ngủ.
"Mức TSH cao có thể gây rối loạn kinh nguyệt, không phóng noãn, thậm chí dẫn đến tình trạng vô kinh hoặc sẩy thai tái phát," bà Lederle cảnh báo. Đây là lý do phụ nữ cần chú ý hơn đến chất lượng giấc ngủ để bảo vệ sức khỏe sinh sản.
Tăng cân và mất kiểm soát cảm giác thèm ăn
Bạn có bao giờ cảm thấy đói cồn cào sau một đêm ngủ kém không? Đó là do mất ngủ gây rối loạn hormone kiểm soát cảm giác no và đói như leptin và ghrelin.
"Khi ngủ không đủ, cơ thể giảm tiết leptin (hormone báo no) và tăng ghrelin (hormone kích thích cảm giác đói), dẫn đến hiện tượng ăn quá mức," Tiến sĩ Peacock cho biết.
Ngoài ra, hormone cortisol – vốn liên quan đến căng thẳng và tích trữ mỡ – cũng bị ảnh hưởng. Việc mất ngủ lâu dài có thể dẫn đến tăng cân và gia tăng nguy cơ béo phì.
Mất năng suất làm việc
Chất lượng giấc ngủ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tác động trực tiếp đến hiệu suất công việc. Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, những người ngủ trung bình 5 tiếng mỗi đêm mất khoảng 2,22 ngày làm việc mỗi năm, so với 1,48 ngày của những người ngủ đủ 8 tiếng.
"Thiếu ngủ làm suy giảm khả năng nhận thức, ra quyết định, trí nhớ và tập trung – tất cả những yếu tố cần thiết để hoàn thành công việc hiệu quả," Tiến sĩ Katharina cho biết.
Tác động toàn diện lên sức khỏe và tuổi thọ
Hậu quả của thiếu ngủ không chỉ dừng lại ở tâm lý hay cân nặng mà còn kéo theo nhiều nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng khác.
Theo Tiến sĩ Sue, những người ngủ ít thường đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bao gồm tăng huyết áp, đột quỵ và đau tim. Ngoài ra, thiếu ngủ kéo dài có liên quan đến bệnh tiểu đường, suy giảm trí nhớ và thậm chí tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Tất cả những điều này đều là nguy cơ có thể trực tiếp làm suy giảm tuổi thọ, thay đổi chất lượng cuộc sống của mỗi người.
Phải làm gì để cải thiện giấc ngủ?
Theo Tiến sĩ Geer, việc đặt giấc ngủ lên hàng đầu trong cuộc sống hiện đại là một thách thức. Sự phát triển của công nghệ đã làm lu mờ ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân, khiến nhiều người thường xuyên kiểm tra email hoặc sử dụng điện thoại trước giờ ngủ.
Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất, việc xây dựng thói quen ngủ lành mạnh là điều vô cùng cần thiết. Hãy cố gắng đi ngủ và thức dậy vào cùng một khung giờ hàng ngày, tránh sử dụng các thiết bị điện tử trước khi ngủ, đảm bảo phòng ngủ thoải mái, yên tĩnh.
Giấc ngủ không đơn thuần là thời gian nghỉ ngơi, mà còn là yếu tố quyết định đến chất lượng cuộc sống của bạn. Đừng để những đêm mất ngủ trở thành nguy cơ lớn cho sức khỏe lâu dài.
Để cải thiện giấc ngủ, bà khuyến nghị một số bước đơn giản nhưng hiệu quả:
Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử trước giờ ngủ
"Hãy đặt giới hạn cho thời gian sử dụng điện thoại, và ngừng lướt mạng xã hội ít nhất một giờ trước khi đi ngủ," Tiến sĩ Geer chia sẻ. Điều này giúp cơ thể nhận biết rằng đã đến lúc nghỉ ngơi.
Xây dựng thói quen trước khi ngủ
Tạo lập những hành động nhất quán, như đọc sách hoặc thiền, sẽ giúp não bộ chuẩn bị cho trạng thái thư giãn.
Duy trì lịch trình giấc ngủ đều đặn
Một khung giờ cố định để đi ngủ và thức dậy mỗi ngày, kể cả cuối tuần, sẽ hỗ trợ cơ thể duy trì nhịp sinh học ổn định.
Việc ưu tiên giấc ngủ không chỉ cải thiện sức khỏe mà còn nâng cao hiệu suất làm việc và chất lượng cuộc sống. Trong nhịp sống hiện đại, đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn giữ gìn năng lượng và tinh thần minh mẫn lâu dài.
Thùy Linh (Theo Yahoo, Metro…)