Công ty bảo hiểm từ chối bồi thường
Theo The Paper vào hồi tháng 3/2020, cô Lưu (Trung Quốc) đã ký hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ từ một công ty bảo hiểm trực tuyến với mức phí 547.000 NDT (khoảng 1,9 tỷ đồng). Người phụ nữ này đóng phí bảo hiểm đều đặn hàng năm và đảm bảo đúng hạn.
Cho đến tháng 4/2022, cô Lưu cảm thấy không khỏe nên đã đến bệnh viện kiểm tra. Điều không ngờ là bác sĩ chẩn đoán bà mắc ung thư phổi và cần nhập viện gấp để điều trị. Sau 1 tháng điều trị và được bệnh viện trả về, người phụ nữ tiến hành làm các thủ tục gửi công ty bảo hiểm nhằm nhận bồi thường.
Tuy nhiên, đến khoảng tháng 6 cùng năm, công ty bảo hiểm đã gửi thông báo về quyết định giải quyết yêu cầu bồi thường cho cô Lưu. Theo đó nội dung bản thông báo nêu rõ hợp đồng bảo hiểm 2 bên sẽ chấm dứt, phí bảo hiểm đã đóng không được hoàn lại. Đặc biệt, cô sẽ không nhận được khoản bồi thường nào từ phía công ty bảo hiểm.
Cảm thấy khó hiểu với quyết định này, cô Lưu dù đang mang bệnh nhưng vẫn cố gắng đấu tranh đến cùng nhằm lấy lại tiền. Tuy nhiên, quá trình thương lượng giữa 2 bên không đi đến kết quả cuối cùng. Chính vì thế, người phụ nữ này quyết định khởi kiện công ty bảo hiểm lên Tòa án Thanh Dương, Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Phán quyết cuối cùng của tòa
Trong phiên tòa, người đại diện của công ty bảo hiểm cho biết sau khi cô Lưu nộp đơn yêu cầu bồi thường, họ đã tiến hành làm các thủ tục để kiểm tra. Trong quá trình đó, công ty phát hiện người phụ nữ này đã được chẩn đoán mắc viêm polyp dạ dày và phải nhập viện vào khoảng 8 tháng trước khi mua bảo hiểm.
Tuy nhiên, trong quá trình làm thủ tục mua bảo hiểm, cô Lương đã không thông báo về việc này. Dựa vào đây, người đại diện của công ty bảo hiểm cho rằng khách hàng đã vi phạm quy định của hợp đồng bảo hiểm ở điều khoản không trung thực các thông tin về sức khỏe, tình trạng bệnh khi mua bảo hiểm. Chính vì thế, công ty có quyền chấm dứt hợp đồng và không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Trước lập luận này, cô Lưu cho biết khi đăng ký bảo hiểm đã đọc được quy định “người tham gia bảo hiểm phải đảm bảo chưa có bất kỳ tình trạng bệnh nào ở thời điểm hiện tại và trong vòng 2 năm qua, ngoại trừ trường hợp viêm dạ dày ruột cấp tính”. Là một người không có nhiều kiến thức về y khoa, người phụ nữ tin rằng mình bị viêm polyp dạ dày cũng thuộc nhóm viêm dạ dày nên đã không thông tin với công ty bảo hiểm.
Cô Lưu còn cung cấp đoạn ghi âm quá trình tư vấn của công ty bảo hiểm. Theo đó, nhân viên tư vấn chỉ đề cập đến nội dung trên như những gì có trong hợp đồng. Tuyệt nhiên, người này không giải thích cụ thể về trường hợp ngoại trừ của bệnh viêm dạ dày cấp tính. Vị khách này cho rằng chính sự tư vấn không tường tận của nhân viên đã khiến bản thân hiểu lầm.
Dựa vào bản hợp đồng do 2 bên đã ký kết và tất cả những bằng chứng thu thập được, năm 2023, Tòa án Thanh Dương, Tứ Xuyên, Trung Quốc cho biết theo Luật Bảo hiểm Trung Quốc, công ty bảo hiểm phải có nghĩa vụ thông báo và giải thích trung thực các điều khoản trong hợp đồng cho khách hàng trước khi thực hiện ký kết. Trong trường hợp này, nhân viên của công ty bảo hiểm không làm tròn trách nhiệm của mình dẫn đến những hiểu lầm không đáng có cho người mua. Chính vì thế, công ty bảo hiểm vẫn phải bồi thường cho cô Lưu theo như thỏa thuận ban đầu.
Thông qua vụ việc này, chính quyền địa phương phối hợp cùng các cơ quan chức năng đã phát đi thông báo về việc mua bán bảo hiểm. Theo đó, bạn cần đọc kỹ các thông tin khi mua sản phẩm bảo hiểm, các điều khoản có trong hợp đồng. Đặc biệt những nội dung liên quan đến trách nhiệm bảo hiểm và điều kiện thanh toán cần được chú ý.
Sau cùng, người tiêu dùng nên nâng cao hiểu biết của mình về các sản phẩm bảo hiểm để có thể bảo vệ được quyền và lợi ích của mình tốt hơn. Khi thực hiện mua bán và ký kết, bạn cần đọc kỹ các điều khoản hợp đồng. Đừng để những lời hứa hẹn về lợi nhuận cao che mắt. Đồng thời, các bản ghi âm, ghi hình và các bằng chứng khác trong quá trình mua bán cũng nên được lưu giữ lại để sử dụng sau này nhằm bảo vệ quyền lợi.
Đinh Anh (Theo The Paper)