Quản lý cảm xúc là một khả năng quan trọng khi trẻ lớn lên. Sự ổn định về mặt cảm xúc là nền tảng quan trọng đối với sức khỏe tinh thần của trẻ. Nó không chỉ liên quan đến các mối quan hệ cuộc sống hàng ngày, mà còn là yếu tố quan trọng giúp trẻ đối mặt với những thử thách trong cuộc sống trong tương lai. Một người có khả năng giữ bình tĩnh và kiểm soát cảm xúc cá nhân sẽ dễ đưa ra những quyết định đúng đắn hơn trong công việc và cuộc sống.
Vậy làm thế nào để giúp con trẻ phát triển được tâm thế điềm tĩnh trong cuộc sống hàng ngày? Thực tế, đôi khi những lời nói giản dị, chân thành lại có thể trở thành liều thuốc hiệu quả nhất để xoa dịu tâm hồn con trẻ. Để làm được điều đó, các bậc cha mẹ hãy nói 3 câu này với con mình thường xuyên hơn. Lời nói này sẽ như tia nắng ấm áp, soi sáng và dẫn đường cho con bạn.
“Bố/mẹ hiểu con”
Khi trẻ gặp phải thất bại hoặc cảm thấy chán nản, điều chúng cần nhất là sự thấu hiểu và cảm thông. Một câu nói đơn giản “bố/mẹ hiểu con” hay “bố/mẹ hiểu cảm giác của con” lúc này có thể khiến trẻ cảm nhận được sự hỗ trợ và quan tâm của cha mẹ đối với mình.
Thế giới của con trẻ tuy nhỏ nhưng phong phú và mọi cảm xúc của trẻ đều xứng đáng được coi trọng. Bằng cách thể hiện sự thấu hiểu, các bậc phụ huynh có thể giúp trẻ nhận ra rằng cảm xúc của con là bình thường và chúng không phải tự trách mình khi cảm thấy buồn hay tức giận. Cảm giác được thừa nhận và thấu hiểu này là nền tảng quan trọng cho sự ổn định về mặt cảm xúc của trẻ.
“Chúng ta cùng nghĩ cách nhé”
Trẻ em có thể cảm thấy bất lực và lo lắng khi phải đối mặt với những vấn đề và thử thách lớn. Lúc này, câu nói “chúng ta cùng nghĩ cách nhé” có thể mang lại cho trẻ lòng dũng cảm và sự tự tin.
Khi gặp khó khăn, thử thách, phản ứng đầu tiên của trẻ thường là sợ hãi và né tránh. Những lời quan tâm đầy tình cảm mà cha mẹ nói như một lời trấn an cho các con, khiến các con trẻ cảm thấy dù gặp phải khó khăn gì thì chúng cũng không hề đơn độc, có gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc nhất.
Thái độ hồi đáp tích cực này có thể kích thích khả năng giải quyết vấn đề và khả năng sáng tạo của trẻ. Không chỉ vậy, chúng học cách giữ bình tĩnh trước khó khăn và tìm ra giải pháp, thay vì đắm chìm trong những cảm xúc tiêu cực.
Quan trọng hơn, sự tương tác này nâng cao cảm giác tin cậy giữa cha mẹ và con cái, khiến trẻ ngày càng tin tưởng, coi gia đình như chỗ dựa an toàn và bền vững cho bản thân.
“Con đã làm rất tốt rồi”
Ở độ tuổi ngày một trưởng thành, phải chịu sự ảnh hưởng của thành tích và điểm số, trẻ em có thể trở nên thất vọng và suy sụp tinh thần vì những khuyết điểm của bản thân. Đây chính là lúc cần đến câu nói: “Con đã làm rất tốt” để giúp nâng cao sự tự tin của trẻ.
Lời khen ngợi và khẳng định của cha mẹ đối với những nỗ lực chính là chìa khóa để nuôi dưỡng sự ổn định về mặt cảm xúc của trẻ. Khi trẻ biết rằng những nỗ lực của mình được nhìn nhận và ghi nhận, chúng sẽ có động lực hơn để làm mọi việc và dũng cảm đối mặt với thất bại một cách bình tĩnh hơn.
Ngôn ngữ là cầu nối giữa cảm xúc và là công cụ quan trọng trong việc hình thành tính cách, hành vi của trẻ. Bằng cách thường xuyên nói “Bố/mẹ hiểu con”, “chúng ta cùng nghĩ cách nhé” và “Con đã làm rất tốt rồi” với con mình, không chỉ giúp con trẻ học cách quản lý cảm xúc tốt hơn mà còn nâng cao sự tự tin và khả năng giải quyết vấn đề của những đứa trẻ. Phía sau những lời khích lệ này là tình yêu thương, sự hỗ trợ sâu sắc và là nguồn năng lượng không thể thiếu trong hành trình trưởng thành của mỗi đứa trẻ.
(Theo Sohu)
Nguyên An